Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Hồ Thượng Tuy - Rasul Gamzatov. Thơ đề, Thơ khắc

THƠ ĐỀ, THƠ KHẮC


Thơ khắc trên bia mộ


***
Người đang sống muốn làm gì mặc kệ
Muốn nói gì xin cứ việc nói ra
Nhưng mà trên bia mộ của ta
Xin hãy nhìn thôi nhé.


* * *
Người nằm đây đã sống hết cuộc đời
Ông biết gì, sống ở đâu không ai rõ.
Chỉ rõ một điều: ông là con người
Khóc khi sinh ra, khi chết thì nức nở.


* * *
Ông không từng nổi tiếng là nhà thông thái
Người dũng cảm ông cũng chẳng phải rồi
Nhưng hãy cúi chào ông ấy
Ông từng là một con người.


* * *
Người kỵ sĩ trong suốt cuộc đời
Đã đấu tranh với điều sai sự thật.
Điều sai trái vẫn sống giữa đời
Còn kỵ sĩ đã nằm dưới đất.


* * *
Người anh hùng hy sinh
Thằng nhát gan đừng mừng vội
Súng và dao của mình
Người anh hùng còn để lại.



* * *
Một người nghèo nằm dưới ngọn đồi này
Ông đã không làm ra bạc tiền nhiều như vậy
Nhưng bài hát của ông còn hát ở đâu đây
Và đâu đây còn hát về ông ấy.


* * *
Người đợi mùa xuân tới
Và tuyết tan ra.
Mùa xuân tới, mùa xuân qua
Nhưng người không còn biết đợi.


* * *
Nơi đây yên nghỉ một anh hùng
Nhưng lòng dũng cảm vẫn còn đang sống.
Nơi đây chôn một kẻ nhát gan
Tính hèn nhát cũng vẫn còn đang sống.


* * *
Kẻ phiêu lãng không còn đủ sức…
Đã chết ở xứ người.
Kẻ phiêu lãng đã từng yêu tổ quốc
Cũng như người đấy thôi.


* * *
Người đang sống dù số phận có đau buồn
Hãy nhớ rằng ta nằm đây còn tồi tệ hơn!


* * *
Núi đồi ơi ông ấy đã buồn nhớ người
Ông ấy đã từng ca ngợi người, sông ơi.


* * *
Ta đắp đường nhưng có một điều này:
Mọi con đường đều dẫn ta đến đây.


*** 
Người lính chết trên chiến trường
Người lính hai mươi tuổi.
Con quạ mổ vào mắt anh
Con quạ một trăm tuổi.





* * *
Cô yêu anh, anh yêu cô
Hai người khát khao hoà nhập.
Chỉ nơi này vào cõi hư vô
Họ hoà với nhau làm một.


* * *
Nơi đây yên giấc nghìn thu
Một người lãng du tám mươi tuổi
Ông ta tục danh của mình không để lại…
Có ai biêt ông tên gọi là gì?
Thế người lãng du này có để lại điều chi?
Tám trăm điều ước mong đã không thành hiện thực.


* * *
Kẻ nằm đây đã sống một cuộc đời
Như con dao găm trong đêm ngời sáng tỏ
Nhưng bây giờ dao đã nằm trong vỏ
Để lần đầu dao được ngủ cho yên.
Cuộc đời ông ta từng giống cây đàn
Hát những bài hay, ông là người tốt
Nhưng bây giờ cây đàn nằm trong hộp
Được giấu kín vào đây đến muôn đời.



Thơ đề trước cổng, trước cửa

* * *
Người đến đây hãy bước vào và khép cửa này
Tôi không hỏi người là ai, từ đâu và của ai.


* * *
Xin đừng đứng, đừng chờ ai bên cửa
Hãy ghé vào hoặc là đi khỏi cửa.


* * *
Ở đây ngươi tìm ra
Sự nhẹ nhàng khỏi đau khổ, xót xa
Khi bước vào là người khách tốt
Ngươi sẽ là người bạn tốt khi ra.


* * *
Cứ gõ cả đêm, cả lúc sáng trời
Tiếng gõ của khách là bài hát của tôi.


* * *
Người đã bước vào nhà
Đến giờ hãy nhớ ra.
Ăn uống và ngơi nghỉ
Phía trước còn đường xa.


*** 
Dù nhà tôi ở phía bên đồi
Nhưng bạn hãy đi vòng một chút
Và bạn hãy nhớ ngó nhìn tôi
Hỡi người bạn tôi chưa quen biết.


* *
Hãy ghé nhà tôi ngày cũng như đêm
Nhưng anh không đến thì tôi hiểu rằng
Anh cứ sợ là rồi tôi sau đó
Có một ngày cũng sẽ đến nhà anh.




Thơ khắc trên đồng hồ

***
Khi các người lên tiếng
Không nghe thấy tôi
Khi các người im lặng
Sẽ nghe thấy tôi.


* * *
Chúng tôi êm hơn nước, thấp hơn cỏ hoa đồng nội
Chúng tôi đi còn các người đi khỏi!


* * *
Ta đếm không giục giã
Ta đi chẳng vội vàng.
Thế có điều gì nhanh?
Cuộc đời trôi vội vã!


* * *
Người có thể quên chúng tôi
Nhưng chúng tôi không quên được người.


* * *
Nước chảy vào bình:
Cáp – cáp.
Tôi làm đầy đời anh:
Tích – tắc.


* * *
Con người ơi sao ầm ĩ, lăng xăng
Ta cười các anh từ trên tường.


* * *
Này anh chàng không gặp may, đừng vội
Tuôn nước mắt nhiều như suối như sông!
Chẳng biết ở đây ai người có lỗi
Nhưng chúng tôi thì không!



Thơ khắc trên dao găm


* * *
Khi cầm dao điều đầu tiên hãy nhớ:
Chỗ tốt nhất cho dao là bao vỏ.


* * *

Để làm chủ dao hãy nhớ điều này
Đầu bao giờ cũng quan trọng hơn tay.


* * *
Dao không phải đàn Zu-na
Nhưng dao biết hai bài hát:
Một về cái chết
Một về thói tự do.


* * *
Dao trong tay người dại
Vội vàng.
Trong tay nhà thông thái
Thong dong.


* * *
Anh cần dao không phải để
Đầu hàng.
Anh tuốt dao ra là để
Xung phong!


* * *
Dao nóng có lúc, có nơi
Dù dao lạnh như băng giá.
Dao không sinh ra con nhỏ
Nhưng làm cho chúng mồ côi.


* * *
Nếu tôi cùn và không nhanh
Anh là chủ, lỗi là tại anh.


* * *
Bao giờ tôi cũng thương cho
Người tôi đã giết.
Bao giờ tôi cũng căm thù
Người tôi sẽ giết.


* * *
Dao của anh không nghe và không thấy
Dao đi trượt – coi chừng! Anh khóc đấy.




Thơ khắc trên sừng rượu

* * *

Rượu ai cũng có thể uống
Nhưng cần biết những điều này:
Uống khi nào, ở đâu và uống với ai
Uống vì cái gì và bao nhiêu thì nên uống.


* * *
Anh uống để mừng cho sức khoẻ bạn anh
Nhưng hãy nhớ lo cho sức khoẻ của mình.


* * *
Rượu làm ngu đi nhà thông thái
Tuy vậy, cũng lắm khi ngược lại.


* * *
Người uống rượu đã, đang và sẽ còn chết nữa
Nhưng chẳng lẽ người không uống thì trở thành bất tử?


* * *
Rượu không phải nước, hay sữa, hay chè
Ai không muốn uống đừng ép buộc làm chi.


* * *
Uống bao nhiêu – một chút hoặc say sưa
Nhưng hãy uống sao cho còn nhớ đường về.


* * *
Khen cho người biết uống
Nhưng có lẽ thế này
Tốt hơn cho cuộc sống
Là không biết cơn say.




Thơ khắc trên mốc cột đường

* * *
Hãy nhìn về phía trước, cố lên
Nhưng cũng cần có lúc
Hãy dừng lại ngoảnh nhìn
Chặng đường mình đi được.


* * *
Từ mọi con đường đều có thể quay về
Riêng đường đời chỉ có một hướng đi.


* * *
Sự chuyển động – đó là phương cách
Giúp cho con người đi về tới đích.


* * *
Chẳng có gì giấu được những con đường
Nơi đây tiếng cười đã vang và nước mắt đã tuôn.


* * *
Mọi con đường – mà trong đời không ít –
Bắt đầu có vô vàn nhưng kết thúc chỉ một.


* * *
Nếu anh muốn cho con đường thêm ngắn
Hãy đem theo mình bài thơ và người bạn.


Thơ đề trên áo buốc-ca

* * *
Trong cơn giông và trong bão tuyết
Áo là mái nhà, áo là chăn đẹp.


* * *
Kẻ đang yêu, áo cũng như nhà thôi
Ngồi bên nhau áo che cả hai người.


* * *
Áo màu đen nhưng không mang hơi ấm
Cho những ai có tâm hồn đen sẫm.


Rasul Gamzatov. Thơ Bốn câu - Phần II

Rasul Gamzatov. Thơ Bốn câu - Phần II



NIỀM AN ỦI

Khi mắt đã mờ, tóc đã chẳng còn xanh
Chỉ mình em cho anh niềm an ủi.
Em là ánh sáng mùa xuân, em là lò sưởi
Là dấu vết cuối cùng, là hi vọng của anh.


TÌNH VÀ THƠ

Cám ơn tình đã cho tôi làm thơ
Cám ơn thơ dạy tôi yêu người khác
Tình yêu như thiên thần đôi cánh bạc
Giữa hai cánh này những bài hát dăng ra.


QUÊ HƯƠNG

Khi lên đường đi về chốn xa xôi
Tôi không hỏi rằng: “Chúng ta đi đâu đấy?”
Tôi chỉ hỏi: “Khi nào ta quay lại?”
Nơi vẫn còn quê hương yêu dấu của tôi.


MỘT NỖI ĐAU CHUNG

Giữa anh và em niềm vui đã khác nhau
Cả nỗi buồn hai ta giờ cũng khác…
Nhưng tất cả niềm vui này – giá anh làm được
Anh sẽ thay chúng bằng một nỗi đau chung!


LỖI LẦM

Giá mà lỗi lầm của mình tôi đem chôn
Thì cả mặt đất này sẽ biến thành nghĩa địa.
Giá mà cho lỗi lầm tôi khắc bia mộ chí
Thì núi đá dẫu bao nhiêu cũng sẽ không còn.


ĐỪNG VỘI

Trên mộ của người xưa lấp lánh ánh trăng
Từ nét mặt người xưa trăng nói với tôi như vậy:
Về cái nơi tất cả đều như nhau đừng vội
Bởi chốn này người không còn được thấy cả ánh trăng.


BIẾT LẤY ĐÂU RA

Trong đầu tôi nảy ra nhiều suy nghĩ mới
Nhưng tình cảm mới khi già tôi biết lấy đâu ra?
Nếu Thánh đường bị phá đi có thể còn xây lại
Nhưng tình yêu đã chết rồi tôi biết lấy đâu ra?


DÀI VÀ NGẮN

Xưa một giờ dài hơn cả mùa đông
Còn bây giờ mùa đông ngắn bằng một tiếng.
Năm tháng của tôi trôi thật vội vàng
Tuổi già còng lưng trên cây gậy chống.


TÚI THƠ

Tôi kêu lên: “Người chết hồi sinh lại!”
Họ bảo tôi: “Đời mi chẳng còn dài”.
Tôi còn muốn làm nhiều thơ nữa đấy
Nhưng túi thơ cứ ngày đè nặng lên vai.


ĐỊA NGỤC THIÊN ĐƯỜNG

Thánh Ala ơi tội của con nhiều không sao đếm lại
Vì điều này con sẽ phải về địa ngục tang thương
Nhưng có phải chính Ngài đã giết đi trong con điều sợ hãi
Bằng hy vọng mong manh rằng con sẽ được tới thiên đường.


SỚM VÀ MUỘN 

Tôi hiểu ra dưới trời Daghestan
Khi mà tôi đi qua con đèo cuối:
Tôi đã trở thành nhà thơ quá vội
Còn nhà tiên tri - đã quá muộn màng.


ĐÔI KHI

Một điều ai ai cũng rõ
Tuổi già giết chết bài ca
Nhưng mà đôi khi vẫn có
Bài ca giết chết tuổi già.


VỀ NHỮNG CÂY ĐÈN

Anh từng hát về cây đèn trong đêm tối
Rồi về cây đèn khác giữa ban ngày
Nhưng thích chúng thì anh không thích nổi
Khi gương mặt em ngời lên trước mặt anh đây.




TRÁI CẤM VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

Giá Eva nhận ra điều xấu hổ
Không từng trao quả táo cho Adam
Trái táo cấm ở vườn địa đàng
Thì Patimat trên đời này đâu có.


CÁT Ở ĐÂU

Các nhà thơ đến đây từ sa mạc
Sahara. Tôi tiếp họ chân tình
Ngắm núi đồi họ lắc đầu chua xót:
“Cát ở đâu? Đâu cồn cát lưỡi liềm?”


HƠN CẢ TRƯỜNG THÀNH

Vật trưng bày – chỉ Vạn lý trường thành
Tường Béc-lanh đã không còn ai nhớ
Nhưng điều giả dối vững hơn cả trường thành
Đến bây giờ vẫn ngăn chia tất cả.


KHÔNG THẤY VIỆC GÌ NÊN

Cần một cử chỉ, một lời nói, ánh nhìn
Để cả triệu người cùng bắt tay hành động
Còn giờ đây tất cả đều hét to và giơ nắm đấm
Nhưng tôi không hề nhìn thấy việc gì nên.


GIÁ TRỊ THỰC Ở ĐÂU

Xưa ta nhìn tất cả qua ống nhòm
Tất cả chúng ta nhìn qua độ lớn
Còn bây giờ ống nhòm ta đảo lộn
Thế bây giờ giá trị thực ở đâu?


NGÔI NHÀ CẦN SỬA CHỮA

Vẫn nghe rằng đất nước đang bừng dậy
Trên con đường những thay đổi lớn lao
Nhưng hoá ra đất nước như thang máy
Trong ngôi nhà tàn cần sửa chữa từ lâu.


NĂM THÁNG TRÔI QUA

Năm tháng trôi qua tôi già đi, cứ thế
Những bài ca đau đớn hiện trong đời
Nỗi lo lắng lớn dần như con trẻ
Chúng lớn nhanh vượt quá cả đầu tôi.





TUỔI THƠ VÀNG

Quần đầy miếng vá. Tuổi thơ vàng
Giá mà tôi được mặc vào lần nữa
Giá lại trở thành chú nhóc nghênh ngang
Kẻ dại dột, ngây thơ, hay xấu hổ.


RỒI SAU SẼ BIẾT

Cánh đồng này anh định trồng cây gì?
Khi cây mọc lên thì anh thấy hết.
Thế sắp tới đây anh viết cái gì?
Khi tôi viết xong thì anh sẽ biết.


NGƯỜI CHẾT RỒI

Người chết rồi không còn lo bệnh tật
Người chết rồi không biết sợ tuổi già
Lợi hay hại cũng chẳng cần so đo
Không còn sợ dù đó là cái chết.


NẾU EM BƯỚC VÀO

Mọi lời tranh luận sẽ đều im bặt
Muôn ánh mắt nhìn đều đổ về em
Nếu em bước vào hội trường xinh đẹp
Nơi chúng tôi cố làm xong công việc của mình.


ĐƯA KHÁCH VỀ NHÀ

Sau cốc thứ nhất khách nói
Sau cốc thứ hai khách ca
Sau cốc thứ ba khách ngủ
Hoặc tiễn đưa khách về nhà.


BỆNH NHÂN KHÔNG CÓ THUỐC

Thời buổi này tôi hỏi các nhà thơ:
Các anh là ai với đất nước?
Người khiêu vũ? Người gõ trống hờ
Hay là những bệnh nhân không có thuốc?




LÀ CẢ VĨNH HẰNG

Về tuổi tác tôi còn lại bảy năm
Đuổi kịp cha tôi… đã nghe mệt mỏi
Còn để đuổi kịp cha về tài năng
Là cả vĩnh hằng… tôi bơi trong đấy.


TA ĐI ĐÂU 

“Ta đi đâu? Ta đến thăm ai vậy?”
Hạnh phúc lang thang dò dẫm tìm đường…
Nhưng khắp nơi chỉ vào thăm người dại
Còn người khôn lại rẻ rúng xem thường.


KHÔNG AI HIỂU ĐƯỢC

Đất nước hát bài ca cho người điếc
Đưa gương soi cho những người mù.
Luật lệ của người không ai hiểu được
Xin đừng chờ những mùa vụ bội thu.




BA NGƯỜI HẠNH PHÚC

Trên đời này có ba người hạnh phúc
Người thứ nhất – không biết một điều gì
Người thứ hai – đánh mất sự nhận thức
Người thứ ba – dửng dưng chẳng cần chi.


EM KHÔNG TIN 

Tôi muốn kể nhiều điều
Nhưng người nghe chẳng mấy.
Giờ đau lòng nhận thấy
Em không tin tình yêu.





Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

Thánh Ala hãy nói với con người
Về công việc ở trên đời của họ.
Những đố kị, hận thù đem dẹp bỏ
Cứu tình yêu – ý nghĩa của cuộc đời.


TẤT CẢ ĐỀU CÓ LỖI

Thời của ta lắm toà án, thanh tra
Những bản án đáng ngờ và dữ dội
Thử nghĩ xem ta cần gì luật sư
Khi trước Thượng Đế tất cả đều có lỗi?!


LƯƠNG TÂM CẮN RỨT

Thượng Đế ơi con thật khổ với đời
Trên quê mình lương tâm con cắn rứt:
Nói sự thật – sợ những ông trời con dưới đất
Còn nói sai thì con lại sợ Người!


THÍCH YÊN LẶNG 

Thích yên lặng – ngựa đừng thắng yên cương
Thích yên lặng – tình yêu đem xua đuổi
Ngồi một chỗ lặng yên mà đếm tuổi
Năm tháng ngày đêm, năm tháng ngày đêm.


CHÉN CUỘC ĐỜI

Chén cuộc đời được hào phóng cho tôi
Tôi uống chén sinh nghĩ suy buồn bã
Cần phải uống đến ngày tóc trắng xoá
Bởi chén cuộc đời chỉ có một mà thôi.




BA DÒNG CÔI-XU*

Nhìn về quá khứ – một giọt nước mắt rơi
Sống ngày hôm nay – giọt thứ hai rơi tiếp
Giọt thứ ba khi nhìn vào tương lai mờ mịt
Như ba dòng Côi-xu chảy giữa cuộc đời tôi.
--------------
*Ba dòng sông cùng mang tên Côi-xu ở Daghestan – quê hương nhà thơ.



SUY XÉT LÀM SAO

Ta cần xem xét bức tường nhà có chắc
Ta cần xem xét nước nguồn trong bản làng có sạch
Về con người cần xét trên bia mộ viết thế nào
Nhưng về cả đất nước thì biết suy xét làm sao?


KHÔNG CÒN LÂU LẮM

Đáng ra cầu nguyện thì tôi đi làm thơ
Lẽ ra ăn chay – rượu vang tôi uống.
Vì lỗi lầm con lạy Thánh Ala
Dù sao phạm lỗi không còn lâu lắm.


NGẠC NHIÊN

Tôi luôn ngạc nhiên rằng nơi nhiều nước
Không có đất để mà tưới đất cày.
Tôi cũng ngạc nhiên rằng nơi nhiều đất
Không có nước để mà tưới đất cày.


KHÔNG TÍNH ĐẾN

Vợ bảo tôi: “Anh còn nhớ khi nào
Là cái ngày hai chúng mình cãi lộn?”
Tôi trả lời: “Anh chẳng nhớ ra đâu
Những ngày này trong đời không tính đến”.


LỜI NÓI

Biết lấy gì so sánh với lời nói con người?
Tôi đem so với cơn mưa, với nước
Mưa một ngày – tuyệt vời, mưa hai ngày – rất tốt
Nhưng mưa mãi không dừng thành đại hoạ cho người.


ĐÁNH MÀ KHÔNG NUÔI

Cối than phiền với trống xong rồi khóc:
“Người ta đánh tôi mà chẳng trả tiền…”
Trống trả lời: “Tôi cũng bị thường xuyên
Đánh mà không nuôi – chẳng có cách nào khác…”




ĐẾ VƯƠNG

“Ông thật đáng là vị chúa tể, đế vương
Khi ông sai khiến những người nô lệ”.
“Nhưng ở nơi không biết cuộc đời nô lệ
Thì chốn này không có những vị đế vương”.


DÒNG CÔI-XU THỨ BA

Chúng giết Makhmut, người ca sĩ – nhà thơ
Sau đó tôi chôn cất nhà thơ – người bố.
Còn mình tôi như dòng Côi-xu thứ ba
Mang nước nguồn về biển Caxpiên tôi đổ.


CƠN ĐÓI CỦA CHIM ƯNG

Trước cuộc đi săn người ta buộc chim ưng
Suốt ba ngày, ba đêm liền nhịn đói.
Với những kẻ tham quyền hành cũng vậy
Đôi mắt rực lên cơn đói của chim ưng.


BẢN CHẤT CON NGƯỜI TA

Tôi thấy rằng: bản chất con người ta
Không chung thuỷ, bởi nơi này, nơi khác
Những cô gái dễ gần chỉ thích hát
Những bài ca mà chẳng có ai ca.




GIÁ MÀ TÔI

Trước cái chết chàng trai thốt lên rằng:
“Chưa một lần làm khổ đau cha mẹ
Cảm ơn số phận vì điều ân huệ…”
Giá mà tôi được nói những lời chàng.


TÔI RẤT ĐỂ Ý

Tôi xin thề trí thông minh không cần
Để biến hai người yêu nhau thành đôi lứa
Nhưng hãy tin rằng tôi rất để ý
Rằng trên đời chẳng có gì khôn hơn.


SẼ PHẢI CÒN BƯỚC XUỐNG

Anh bây giờ người ta đang trọng vọng
Xin đừng quên, bởi đến một khi nào
Theo bậc thang từng dẫn anh lên cao
Có thể anh sẽ phải còn bước xuống.


EM CHẲNG PHẢI TRÁCH ANH

Anh biết rằng: em chẳng phải trách anh
Mà trong anh người khác em quở trách.
Anh biết rằng: em ngợi khen kẻ khác
Ở trong anh em thấy và khen mình.


VÌ SAO

Tôi thuộc lòng tất cả thơ Makhmud
Nhưng mà không sao hiểu được một điều:
Vì sao tình yêu của tôi, vì sao
Khi tôi còn chưa sinh ông biết trước?





NGƯỜI NGOAN ĐẠO

Theo luật lệ: trong một ngày năm lần
Người ngoan đạo phải chăm lo cầu nguyện.
Giá mà tôi – lỗi lầm không tính đến
Không phải năm lần mà là năm trăm.


NHƯ LÁ RỤNG MÙA THU

Trước nhà tôi cây tiêu huyền đang lớn
Nhưng trút lá vàng khi đến mùa thu
Giống như cây, tôi đứng đây kiêu hãnh
Buông những lời như lá rụng mùa thu.


ĐÀN VÀ DAO

Đàn và dao tôi vẫn treo trên tường
Tháng năm trôi, tôi ngỡ là có chuyện:
Dao rời khỏi vỏ – khi tôi ôm đàn
Khi tôi cầm lấy dao - đàn lên tiếng.


CÓ ĐIỀU CHI LẦM LỖI

Họ đe doạ chúng tôi dùng luật rừng
Họ dũng mãnh, khôn ngoan và dữ dội
Tôi ngây thơ với bài hát của mình
Nhưng nghĩ rằng có điều chi lầm lỗi.


CÁC NGƯƠI Ở ĐÂU RỒI

Những con ngựa, các ngươi ở đâu rồi?
Và các ngươi, giờ ở đâu, bài hát?
Không còn nghe tiếng gõ đều móng guốc
Thay vì bài ca – chỉ thấy những lời.





TRĂM TÊN GỌI CHO LẠC ĐÀ

Trăm tên gọi dễ thương cho lạc đà
Bằng tiếng Arập như điều kỳ diệu.
Còn con người khi chửi nhau tuôn ra
Cả nghìn câu rất chi là tục tĩu.


TÔI THÍCH ĐƯỢC THÌ THẦM

Người ta gọi tôi bước lên diễn đàn
Tôi thích được thì thầm trong im lặng
Với cô gái đẹp trẻ trung, e thẹn
Còn hơn gào to ở chốn diễn đàn.


DÙ GÀO THÉT TRĂM LẦN

Dù người ta có gào thét trăm lần
Về con đường tương lai thì tôi vẫn
Đi lên núi – núi đồi toàn trống rỗng
Rồi đi xuống khe – khe tối như bưng.


ĐI XÂY NHÀ TÙ

Tôi trong số những người đi đào đá
Cho người ta xây cung điện nguy nga
Nhưng cung điện không xây, mà người thợ
Đem đá của tôi đi xây nhà tù.


CHỢT NHỚ VỀ EM

Một bài ca khát khao trang giấy trắng
Bút trong tay, tôi viết đã sẵn sàng
Nhưng bỗng nhiên tôi chợt nhớ về em
Và bài hát của tôi thành im lặng.



ĐÂU CŨNG THÀNH VÀNG

Tâm hồn khi khổ đau, khi nhảy nhót
Khi tuyết rơi, khi mưa xối trên đồng
Nhưng cánh đồng nếu gặp mùa tươi tốt
Thì đồng đất đi đâu cũng thành vàng.


THẬT HOÀI CÔNG

Chốn ngục tù chưa một lần từng sống
Mà chỉ từng ngồi trong điện Kremlanh
Nửa cuộc đời ngồi đấy thật hoài công
Tôi đã sống, đã ngồi rất phí uổng.


CÂU HỎI TRONG TỜ KHAI

Câu hỏi trong tờ khai: “Đã từng bị phán xét?”
Tôi phán xét tôi từng phút từng giờ.
Ngày hôm nay xét xử ngày hôm qua
Còn ngày mai xét hôm nay địa ngục.


TÔI MANG THEO Ý NGHĨ

Tôi mang theo ý nghĩ khi lên đèo
Biết làm sao để đi lên tới đỉnh?
Bởi ý nghĩ cứ mỗi ngày một nhiều
Mà sức tôi… thì chỉ còn ít lắm.


Ở ĐÂU HẾT RỒI NGƯỜI KHÔN

Ai làm đứt dây đàn?
Người dại.
Ai tranh cãi với vợ con?
Người dại.
Ai không hoà thuận với láng giềng?
Người dại.
Thì khi đó tôi hỏi:
-Thế ở đâu hết rồi người khôn?


NGHỊ QUYẾT TRÊN TRANG GIẤY

Quan cũ đi, đến thay quan mới
Lại họp hành, luật lệ mới không thôi…
Mặt đất cần nông dân, mưa và mặt trời
Chứ không phải nghị quyết trên trang giấy.


NGHE NHIỀU BÀI PHÁT BIỂU

Tôi trong đời nghe nhiều bài phát biểu
Cơn ngáp dài đành phải lấy tay bưng
Trong khi đó dòng suối hát trong rừng
Và tiếng chim vang lên rất dễ chịu.


HỒI NHỎ VÀ BÂY GIỜ

Hồi nhỏ tôi sợ dây da của bố
Tôi thường trốn vào trong góc thật xa
Hồi còn nhỏ tôi luôn sợ người già
Còn bây giờ lũ trẻ con tôi sợ.


CHỈ GIÀY CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN

Anh trai tôi cưới vợ trước chiến tranh
Anh tự hào khoe giày trong đám cưới
Những người khách cũng tự hào giày mới
Chỉ giày bây giờ còn lại với thời gian.


KHÔNG CÓ LỰA CHỌN

Tất cả cử tri cần lựa chọn
Tất cả bầu, tất cả chọn ra.
Daghestan không có lựa chọn
Người là nôi, là mẹ, là cha.





MỘT CÂU HỎI KHÓ

Tôi kể cho người nông dân nghe về điện Kremlanh
Những cung điện, những gian phòng tráng lệ.
Ông hỏi tôi một câu khó vô cùng:
- Ở đó có không người anh em kết nghĩa?



THÌ THẦM MỖI CÁI TÊN EM

Kẻ hành hương mang đến đây con tim
Những lời cầu nguyện chạy trong huyết quản.
Khi ở Mecca anh không cầu nguyện
Mà chỉ thì thầm mỗi cái tên em.


ĐỀU GÌ TRỜI ĐỊNH

Điều gì trời định sẽ đến với anh
Quá khứ đi qua, tương lai sẽ đến
Nhưng chỉ có tình yêu chân chính
Được trời cho tuổi trẻ và vĩnh hằng.


TÌNH YÊU TỰ ĐẾN

Tình yêu tôi không xin: “Chờ một chút!”
Mà tình yêu tự đến rất bất ngờ.
Bài ca cũng không khẩn khoản: “Hãy chờ!”
Mà bài ca tự sinh trong lồng ngực!


TÔI KHÔNG DỐI ĐIỀU NÀY

Sau Stalin tôi không còn sợ ai
Không Khơ-rút-sốp, không những người như thế
Tôi sống bằng chính bản thân mình, thi sĩ
Khác người ta, tôi không dối điều này.





NẾU…

Nếu tất cả con gái của mẹ hành tinh
Đều là những nàng Gioconda tuyệt mỹ
Nếu ta khen hết mọi nhà thi sĩ
Thì từ lâu ta đã quên Puskin.



TÔI ĐÃ TỪNG

Tôi đã từng như con chim Đama nhẹ nhàng
Giờ tuổi già giống như con voi lê bước.
Dù đôi khi con tim vẫn xốn xang
Nhưng đã thành con trâu vẫy vùng trong vũng nước.


ĐƠN THUỐC

Đất nước điêu tàn, người ta kê đơn thuốc
Bảo cách làm sao trị khỏi những bệnh này
Khỏi sợ hãi, cực hình, đớn đau, khổ nhục
Nhưng hiệu thuốc lấy đâu ra những loại thuốc này.


VÌ KHÔNG TRẬT TỰ

Sao người ta nói nhiều? – bởi vì không trật tự
Sao ăn trộm nhiều? – Cũng vì thế mà thôi.
Không trật tự – người chết ở khắp nơi
Tình bị buộc dây cương cũng vì không trật tự.





TÔI BỊ LỪA

Tôi bị lừa nhưng mà không than thở
Chỉ những bài thơ bị lừa dối tôi thương.
Tin cũng dở mà không tin cũng dở
Một câu rủa nguyền cho thời đại dối gian.