Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Hồ Thượng Tuy - Rasul Gamzatov. Thơ đề, Thơ khắc

THƠ ĐỀ, THƠ KHẮC


Thơ khắc trên bia mộ


***
Người đang sống muốn làm gì mặc kệ
Muốn nói gì xin cứ việc nói ra
Nhưng mà trên bia mộ của ta
Xin hãy nhìn thôi nhé.


* * *
Người nằm đây đã sống hết cuộc đời
Ông biết gì, sống ở đâu không ai rõ.
Chỉ rõ một điều: ông là con người
Khóc khi sinh ra, khi chết thì nức nở.


* * *
Ông không từng nổi tiếng là nhà thông thái
Người dũng cảm ông cũng chẳng phải rồi
Nhưng hãy cúi chào ông ấy
Ông từng là một con người.


* * *
Người kỵ sĩ trong suốt cuộc đời
Đã đấu tranh với điều sai sự thật.
Điều sai trái vẫn sống giữa đời
Còn kỵ sĩ đã nằm dưới đất.


* * *
Người anh hùng hy sinh
Thằng nhát gan đừng mừng vội
Súng và dao của mình
Người anh hùng còn để lại.



* * *
Một người nghèo nằm dưới ngọn đồi này
Ông đã không làm ra bạc tiền nhiều như vậy
Nhưng bài hát của ông còn hát ở đâu đây
Và đâu đây còn hát về ông ấy.


* * *
Người đợi mùa xuân tới
Và tuyết tan ra.
Mùa xuân tới, mùa xuân qua
Nhưng người không còn biết đợi.


* * *
Nơi đây yên nghỉ một anh hùng
Nhưng lòng dũng cảm vẫn còn đang sống.
Nơi đây chôn một kẻ nhát gan
Tính hèn nhát cũng vẫn còn đang sống.


* * *
Kẻ phiêu lãng không còn đủ sức…
Đã chết ở xứ người.
Kẻ phiêu lãng đã từng yêu tổ quốc
Cũng như người đấy thôi.


* * *
Người đang sống dù số phận có đau buồn
Hãy nhớ rằng ta nằm đây còn tồi tệ hơn!


* * *
Núi đồi ơi ông ấy đã buồn nhớ người
Ông ấy đã từng ca ngợi người, sông ơi.


* * *
Ta đắp đường nhưng có một điều này:
Mọi con đường đều dẫn ta đến đây.


*** 
Người lính chết trên chiến trường
Người lính hai mươi tuổi.
Con quạ mổ vào mắt anh
Con quạ một trăm tuổi.





* * *
Cô yêu anh, anh yêu cô
Hai người khát khao hoà nhập.
Chỉ nơi này vào cõi hư vô
Họ hoà với nhau làm một.


* * *
Nơi đây yên giấc nghìn thu
Một người lãng du tám mươi tuổi
Ông ta tục danh của mình không để lại…
Có ai biêt ông tên gọi là gì?
Thế người lãng du này có để lại điều chi?
Tám trăm điều ước mong đã không thành hiện thực.


* * *
Kẻ nằm đây đã sống một cuộc đời
Như con dao găm trong đêm ngời sáng tỏ
Nhưng bây giờ dao đã nằm trong vỏ
Để lần đầu dao được ngủ cho yên.
Cuộc đời ông ta từng giống cây đàn
Hát những bài hay, ông là người tốt
Nhưng bây giờ cây đàn nằm trong hộp
Được giấu kín vào đây đến muôn đời.



Thơ đề trước cổng, trước cửa

* * *
Người đến đây hãy bước vào và khép cửa này
Tôi không hỏi người là ai, từ đâu và của ai.


* * *
Xin đừng đứng, đừng chờ ai bên cửa
Hãy ghé vào hoặc là đi khỏi cửa.


* * *
Ở đây ngươi tìm ra
Sự nhẹ nhàng khỏi đau khổ, xót xa
Khi bước vào là người khách tốt
Ngươi sẽ là người bạn tốt khi ra.


* * *
Cứ gõ cả đêm, cả lúc sáng trời
Tiếng gõ của khách là bài hát của tôi.


* * *
Người đã bước vào nhà
Đến giờ hãy nhớ ra.
Ăn uống và ngơi nghỉ
Phía trước còn đường xa.


*** 
Dù nhà tôi ở phía bên đồi
Nhưng bạn hãy đi vòng một chút
Và bạn hãy nhớ ngó nhìn tôi
Hỡi người bạn tôi chưa quen biết.


* *
Hãy ghé nhà tôi ngày cũng như đêm
Nhưng anh không đến thì tôi hiểu rằng
Anh cứ sợ là rồi tôi sau đó
Có một ngày cũng sẽ đến nhà anh.




Thơ khắc trên đồng hồ

***
Khi các người lên tiếng
Không nghe thấy tôi
Khi các người im lặng
Sẽ nghe thấy tôi.


* * *
Chúng tôi êm hơn nước, thấp hơn cỏ hoa đồng nội
Chúng tôi đi còn các người đi khỏi!


* * *
Ta đếm không giục giã
Ta đi chẳng vội vàng.
Thế có điều gì nhanh?
Cuộc đời trôi vội vã!


* * *
Người có thể quên chúng tôi
Nhưng chúng tôi không quên được người.


* * *
Nước chảy vào bình:
Cáp – cáp.
Tôi làm đầy đời anh:
Tích – tắc.


* * *
Con người ơi sao ầm ĩ, lăng xăng
Ta cười các anh từ trên tường.


* * *
Này anh chàng không gặp may, đừng vội
Tuôn nước mắt nhiều như suối như sông!
Chẳng biết ở đây ai người có lỗi
Nhưng chúng tôi thì không!



Thơ khắc trên dao găm


* * *
Khi cầm dao điều đầu tiên hãy nhớ:
Chỗ tốt nhất cho dao là bao vỏ.


* * *

Để làm chủ dao hãy nhớ điều này
Đầu bao giờ cũng quan trọng hơn tay.


* * *
Dao không phải đàn Zu-na
Nhưng dao biết hai bài hát:
Một về cái chết
Một về thói tự do.


* * *
Dao trong tay người dại
Vội vàng.
Trong tay nhà thông thái
Thong dong.


* * *
Anh cần dao không phải để
Đầu hàng.
Anh tuốt dao ra là để
Xung phong!


* * *
Dao nóng có lúc, có nơi
Dù dao lạnh như băng giá.
Dao không sinh ra con nhỏ
Nhưng làm cho chúng mồ côi.


* * *
Nếu tôi cùn và không nhanh
Anh là chủ, lỗi là tại anh.


* * *
Bao giờ tôi cũng thương cho
Người tôi đã giết.
Bao giờ tôi cũng căm thù
Người tôi sẽ giết.


* * *
Dao của anh không nghe và không thấy
Dao đi trượt – coi chừng! Anh khóc đấy.




Thơ khắc trên sừng rượu

* * *

Rượu ai cũng có thể uống
Nhưng cần biết những điều này:
Uống khi nào, ở đâu và uống với ai
Uống vì cái gì và bao nhiêu thì nên uống.


* * *
Anh uống để mừng cho sức khoẻ bạn anh
Nhưng hãy nhớ lo cho sức khoẻ của mình.


* * *
Rượu làm ngu đi nhà thông thái
Tuy vậy, cũng lắm khi ngược lại.


* * *
Người uống rượu đã, đang và sẽ còn chết nữa
Nhưng chẳng lẽ người không uống thì trở thành bất tử?


* * *
Rượu không phải nước, hay sữa, hay chè
Ai không muốn uống đừng ép buộc làm chi.


* * *
Uống bao nhiêu – một chút hoặc say sưa
Nhưng hãy uống sao cho còn nhớ đường về.


* * *
Khen cho người biết uống
Nhưng có lẽ thế này
Tốt hơn cho cuộc sống
Là không biết cơn say.




Thơ khắc trên mốc cột đường

* * *
Hãy nhìn về phía trước, cố lên
Nhưng cũng cần có lúc
Hãy dừng lại ngoảnh nhìn
Chặng đường mình đi được.


* * *
Từ mọi con đường đều có thể quay về
Riêng đường đời chỉ có một hướng đi.


* * *
Sự chuyển động – đó là phương cách
Giúp cho con người đi về tới đích.


* * *
Chẳng có gì giấu được những con đường
Nơi đây tiếng cười đã vang và nước mắt đã tuôn.


* * *
Mọi con đường – mà trong đời không ít –
Bắt đầu có vô vàn nhưng kết thúc chỉ một.


* * *
Nếu anh muốn cho con đường thêm ngắn
Hãy đem theo mình bài thơ và người bạn.


Thơ đề trên áo buốc-ca

* * *
Trong cơn giông và trong bão tuyết
Áo là mái nhà, áo là chăn đẹp.


* * *
Kẻ đang yêu, áo cũng như nhà thôi
Ngồi bên nhau áo che cả hai người.


* * *
Áo màu đen nhưng không mang hơi ấm
Cho những ai có tâm hồn đen sẫm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét