Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Thơ Rasul Gamzatov. Thơ Tám câu - Phần IV

Rasul Gamzatov. Thơ Tám câu - Phần IV



NGÀY XỬA NGÀY XƯA

Ngày xửa ngày xưa ở chốn núi rừng
Tôi tặng em dòng thơ đầu tôi viết
Em chỉ cười rồi em đi lấy chồng
Chồng của em – người sĩ quan cao cấp.

Tôi thành nhà thơ. Em cho điều này
Là công của em. Nhưng mà tôi muốn nói
Nếu qủa em người thực sự có tài
Hãy dạy cho chồng làm thơ đi vậy.


CHỈ MỘT ĐIỀU NGUY HIỂM

“Nhà thơ ơi đừng sợ gì kẻ thù!
Bạn chân thành có đầy khắp mọi lối!”
“Nhưng nếu một ngày bạn bè phản bội?”
“Đừng sợ gì! Còn có vợ nhà thơ”.

“Nhưng nếu vợ phụ tình?” – “Cũng đừng lo
Còn núi đồi quê hương trong sương sớm”.
“Thế thì tôi cần phải sợ cái gì?”
“Phản bội chính mình – chỉ một điều nguy hiểm”.


KHÔNG THỂ VƯỢT QUA

Có vẻ như ngọn nến vừa đốt lên
Người phụ nữ trước mặt anh xuất hiện
Trước bức tường anh lặng yên đứng ngắm
Nhưng chỉ nhìn ra bờ vai nhỏ của em.

Có vẻ như định trước buổi hẹn hò
Ánh mắt nhìn sau bờ mi quyến rũ
Nhưng ở giữa anh và người phụ nữ
Vật cản là em, không thể vượt qua.


CHỈ CÓ ĐẠI BÀNG

Tất cả rõ ràng hơn mùa thu đến
Chim hiểu rằng đây không phải thiên đường
Dù mùa hè hát ca ngợi quê hương
Vẫn đổi thay, bay đi tìm nắng ấm.

Chỉ có đại bàng khi đó lặng im
Đứng ngắm nhìn những vườn cây trụi lá
Không vội vã giang đôi cánh của mình
Từ giã quê hương trong ngày băng giá.


LUẬT LỆ HÃY TUÂN THEO

Có người khách trong đêm đen gõ cửa
Nếu người miền rừng, luật lệ hãy tuân theo*
Dù muốn hay không ngươi đừng lần lữa
Mà hãy ra mở cửa đón khách vào.

Một bài hát gõ vào ngực đêm sao
Tất cả ngủ, còn nhà ngươi thao thức
Nếu thi sĩ thì còn chưa muộn đâu
Hãy thức dậy, quên trời đêm, hãy hát.
______________
* Theo phong tục cổ của các dân tộc vùng bắc Kavkaz bất kỳ người nào cũng có thể đến làm khách ở bất kỳ nhà nào ở miền rừng núi. Ngay cả kẻ từng giết người nhưng gặp phải thời tiết xấu trong rừng đều có thể vào làm khách trong nhà kẻ thù của mình và đều được đón tiếp thân tình. Cả những người rất nghèo vẫn sẵn lòng hậu đãi khách bởi người ta tin rằng cùng với người khách là những điều may mắn tốt lành sẽ đến.



CÒN NHIỀU HƠN

Chuông đồng hồ lại gõ nhịp trên tường
Giờ đi qua không còn quay về nữa!
Có thể, tôi còn nhiều hơn trước nó
So với giờ phút cuối, phút lâm chung.

Hơi thở bay đi, hơi thở chẳng quay về!
Hơi thở tan ra, hơi thở không còn nữa
Trước hơi thở này, tôi nhiều hơn, có lẽ
Còn nhiều hơn hơi thở cuối cùng kia.



THI SĨ CỦA MỘT THỜI

Có nhà thơ - thi sĩ của một thời
Có nhà thơ - đến muôn đời muôn kiếp…
Những ngôi làng – dù xấu hay dù đẹp
Hình dáng của mình đều thay đổi mà thôi.

Khi cảm nhận gió từ đâu thổi đến
Làng đổi màu nhưng còn những cây thông
Dưới nắng mùa hè, dưới tuyết mùa đông
Vẫn luôn luôn tươi xanh và thẳng đứng.



ĐẾN BẤT THÌNH LÌNH

Trong im lặng tôi đâu có đợi chờ
Tôi không gọi về một lời duy nhất
Nó sẽ tự đến với tôi, cứ mặc
Như nước mắt – có ai gọi bao giờ.

Nó sẽ đến bất thình lình, mặc nó
Rồi trên trang giấy trắng nó rơi lên.
Như người bạn duy nhất của đời mình
Bước vào nhà mà cửa không cần gõ.


LỜI ĐI KHỎI

Tôi xạ thủ, còn lời – con thú độc
Tôi giương cung, con thú chạy tháo thân
Lời đơn giản chỉ thoáng qua – không còn
Giữa rừng khô mất sạch trơn dấu vết.

Con thú khôn mũi tên không quen biết
Còn lời dạo chơi đây đó tự mình
Lời giấu đi sau đồi núi, sau rừng
Lời đi khỏi dưới ngòi bút viết.


CON ĐƯỜNG GIAN NAN

Một mình tôi thơ thẩn giữa đất trời
Không có tâm hồn, chỉ toàn bụi bặm.
Nhưng có những nhà thơ tôi yêu mến
Trong lặng im đang trò chuyện cùng tôi.

Thế các anh, ai mà chẳng cần lời
Các anh lấy đâu ra sức để vác
Sự cô đơn trên cái miền khó nhọc
Con đường gian nan, gánh nặng cuộc đời.



NHỮNG QUYỂN SÁCH CỦA TÔI


Những quyển sách của tôi là những vạch
Của những con đường dè dặt lẫn to gan
Khi thì bước lên đến đỉnh vinh quang
Khi vấp ngã và lộn nhào xuống vực.

Những quyển sách – những chiến công đẫm máu
Chinh phục đỉnh cao, không lẽ biết được rằng
Người đang khoác cho mình sự vinh quang
Hay uổng phí khi người đang rót máu?


TUỔI THƠ TRÔI ĐI

Tuổi thơ trôi đi như dòng nước
Tuổi thơ trôi nhưng còn lại gia tài
Sẽ còn lại cho người đời bài hát
Và kỷ niệm tuổi thơ còn đến muôn đời.

Tuổi trẻ trôi đi như một dòng sông
Những gì trôi đi không quay về nữa.
Từ dòng sông chỉ còn lại chiến công
Và kỷ niệm sẽ vẫn còn muôn thuở.


TÔI ĐEM LỜI SO SÁNH

Tôi đem lời so sánh với lông cừu
Và đôi khi với buốc-ca so sánh
Từ lông đến áo cần biết bao nhiêu
Sức lao động và dài lâu chịu đựng!

Lời – chỉ là sợi, còn một bài thơ
Là tấm thảm nhiều hoa văn, màu sắc
Đặt vào biết bao công sức khó nhọc
Trong mỗi hoa văn, trong mỗi sắc màu.


CÓ ĐIỀU GÌ ĐÁNG SỢ

Những đứa trẻ nhỏ đang dần lớn lên
Tôi thấy sợ, có điều gì đáng sợ?
Táo thì trắng, còn mùa xuân đang lên
Tôi thấy sợ, có điều gì đáng sợ?

Người ta bắn tên lửa vào mây xanh
Tôi thấy sợ, có điều gì đáng sợ?
Chẳng có điều gì xấu, có vẻ không
Ngoài nỗi sợ của tôi như thường lệ.




VÔ CÙNG GIÁ LẠNH

Bạn của tôi chiến tranh cướp mất rồi
Nhưng mà tôi vẫn còn nghe thấy giọng
Còn người đang sống đi sau lưng tôi
Đối với tôi đã chết từ lâu lắm.

Bạn của tôi chiến tranh cướp mất rồi
Lửa của bạn giờ tôi còn sưởi ấm
Nhưng người khác sống đang ngồi bên tôi
Tôi lại cảm thấy vô cùng giá lạnh.


LẤY ĐÂU RA

“Trả lời tôi, hỡi con người vui vẻ
Bài hát của anh sao lắm đau buồn?”
“Ở con người mà vui suốt thế kỷ
Thường có đứa con trầm lặng, sầu thương!”

“Thế tại sao, hỡi con người buồn bã
Ngươi lấy đâu ra những bài thơ vui?”
“Ở con người mà buồn suốt thế kỷ
Thường có đứa con mừng rỡ, vui tươi!”


BỊ BIỂN KIA NUỐT MẤT

Tôi lại về nơi ngọn gió đồi đang thổi
Tôi không còn nhận diện được quê hương
Con trẻ bây giờ không hiểu tiếng cha ông
Tiếng của tôi chết dần, đang hấp hối.

Chẳng lẽ chúng ta bằng tiếng Avar
Không còn nghĩ suy, cãi nhau và hát
Biết làm sao – sông tìm biển đổ ra
Dù biết rằng: bị biển kia nuốt mất.


THẮNG LỢI CỦA TÔI

Thắng lợi của tôi, tôi ít khi mừng
Tôi ngỡ rằng – trong thơ còn chưa đủ.
Tôi ngỡ rằng – dấu vết đi sau lưng
Đã sinh ra một nhà thơ thực sự.

Mặc nhà thơ làm cuộc đời kinh ngạc
Bằng giọng ngân vang tôi chẳng hiểu ra
Mặc cho một lần bằng lời tốt đẹp
Nhắc đến tình tôi đối với thơ ca.



NHỮNG VŨ KHÍ MỚI

Những vũ khí mới cực kỳ hiện đại
Đừng chế tạo ra chống lại con người.
Vũ khí tự ngàn xưa – tình hữu ái
Hãy đặt vào trong bao vỏ cho tôi.

Lời di chúc của cha ông để lại
Cho chúng ta là thứ vũ khí vàng
Để chúng ta không cho ai bẻ gãy
Để chúng ta không cho họ làm cùn.


THẬT VÔ CÙNG DẠI DỘT

Trong vườn xanh những chiếc lá reo vang
Rồi thì thầm: ta ghen cùng ánh sáng!
Còn trên trời những đám mây trĩu nặng
Ngó xuống cười những chiếc lá còn xanh.

Còn một số người dễ dàng qủa quyết
Rằng họ hạnh phúc sung sướng trên đời.
Còn hạnh phúc thì lại chau lông mày:
“Ôi các con thật vô cùng dại dột!”


HÃY ĐƯA TÔI CON NGỰA

“Hãy đưa tôi con ngựa của cha tôi
May mắn thay là tôi còn biết nhảy!”
Tôi nhảy lên và con ngựa quẳng tôi
Ngã lăn quay bên vệ đường lúc ấy.

“Mọi người nghe. Tôi bắt đầu chơi đây
Trao cho tôi cây đàn cha ca tụng…”
Chỉ vừa mới động ngón tay vào dây
Thì dây đàn đứt ra cùng với tiếng.


BẦU TRỜI KHÔNG MUÔN THUỞ

Tôi cứ ngỡ bầu trời không muôn thuở
Mà nát nhàu và ọp ẹp, rung rinh
Giờ tôi ngỡ rằng bầu trời sắp sửa
Đổ xuống đầu tôi với sức nặng của mình.

Nhưng những ngọn núi nhô cao bảo vệ
Bằng những đỉnh cao bằng những dốc cao
Chúng sừng sững vươn mình lên chống đỡ
Như mái nhà xưa có những cột to cao.


BỊ CẮT TẬN GỐC

Trên những cánh đồng lúa đang tốt tươi
Ta tưới nước cho mặt đất khô khốc.
Trên những cánh đồng lúa đã chín rồi
Những ruộng lúa mì ta cắt tận gốc.

Nhưng khoảng rộng của những cánh đồng này
Tưới bằng máu của ta bao khó nhọc
Và chính những người thợ gặt, thợ cày
Như lúa mì đang bị cắt tận gốc.


TRONG SÁCH ĐỜI

Trong sách đời tất cả trang đều tuyệt
Tất cả trong sách này sáng suốt, thông minh.
Để lần nữa sinh ra bông lúa mạch
Gieo vào đất những hạt giống nằm yên.

Khi cơn mưa mùa xuân rơi đâu đó
Thì trên đồng xào xạc cỏ và hoa
Khi nước mắt rơi từ đôi mắt thi sĩ
Thì những lời chân chính được sinh ra.


NHÀ CỦA TÔI

Nhà của tôi giờ cách xa nơi bố
Tôi nhọc nhằn với cái cảnh núi đồi
Nhưng dù sao tôi nghe lời chửi rủa
Thì hiểu ra lòng tốt của mọi người.

Tôi biết rằng lời tốt luôn tìm thấy
Cho người anh em trên một con đường
Khi trên vai mình mọi người đành phải
Gánh tôi đi vào con đường cuối cùng!


CON CHÁU MÌNH VẪN HÁT

Một nhà thơ viết nhiều những bài thơ
Về quê hương, núi đồi cao chót vót
Một trăm hai mươi năm núi đồi về nhà thơ
Bằng giọng của con cháu mình vẫn hát.

Sương thế kỷ như màn khói hoàng hôn
Bay giữa trời nhưng không hề phân tán
Người ca sĩ Kapkaz chết tuổi thanh xuân
Kapkaz tự mình với đỉnh cao bạc trắng.


TRÊN ĐỈNH CAO CỦA MÌNH

Có điều xảy ra: đỉnh cao tôi sợ lắm.
Tôi lên đỉnh cao sau mây để làm gì?
Có lẽ không giữ được, tôi ngã xuống
Từ dốc cao khi đứt sợi dây kia.

Tôi đang đứng trên đỉnh cao của mình
Và thấy khủng khiếp, nhọc nhằn ghê gớm.
Thêm mỗi bài thơ càng khó thở hơn
Và ngỡ như từng dòng đang đứt quãng.


DÒNG NƯỚC ĐẬP VÀO VÁCH ĐÁ

Dòng nước đập vào vách đá cao dựng đứng
Rất kiêu căng, vô cảm tiếng rì rào.
Chẳng lẽ tôi không hiểu ra tình trạng
Dòng nước thì người hiểu được tôi sao?

Dòng nước chảy rì rào nhưng không thể
Làm hòn đá kia hờ hững vui theo
Những hòn đá này sao mà giống thế
Giống con tim hoá đá của người yêu.


TẤT CẢ NHỮNG GÌ

Tất cả những gì mà người ta tặng tôi
Đaghestan, tôi chia cùng Người đấy
Tôi đem hết những huân chương, mề đay
Lên đỉnh cao của Người tôi găm lại.

Tôi dâng Người tất cả những bài ca
Và những lời hoá thân vào thơ đó
Chỉ xin Người tặng tôi áo buốc-ca
Và chiếc mũ của đỉnh cao trắng xoá.





KHÔNG PHẢI BẰNG SỨC MẠNH

Hãy qui phục, Kavkaz, tướng Ermolov đang đến.
A. Puskin.

Không, không qui phục và lưng không cúi xuống
Không bấy giờ, không sau một trăm năm
Không những người con, không phải núi rừng
Vẻ sừng sững như vai bao vị tướng.

Không mưu chước tinh ranh, không sức mạnh
Mà tôi xin khẳng định một điều là:
Không phải bằng sức mạnh nước Nga đã thắng
Mà Kavkaz bí huyền đã quyến rũ nước Nga.


CHÀNG TRAI TRẺ HÃY NHÌN

Chàng trai trẻ, hãy nhìn người tóc bạc
Rảo bước đi trên thành phố người đông
Bằng bàn tay sạch sẽ, chàng thấy không
Chòm râu bạc của mình ông đang vuốt.

Chàng còn trẻ trung, chàng là chàng rể
Nhưng thời gian làm bạc mái tóc đen.
Chớ làm bẩn mái tóc bạc của mình
Bằng bàn tay không sạch từ khi trẻ.


CHẲNG CÓ AI BIẾT HẾT

Trên đời này chẳng có ai biết hết
Chỉ có những người lầm tưởng thế mà thôi.
Tôi thấy sợ cho những ai quyền lực
Cái nhìn luôn luôn đoán xét con người.

Biết hết cả, chẳng Puskin, không Xôcrát
Biết làm sao đời rộng lớn, đông người
Nhưng người ta đem cuộc đời đoán xét
Nhầm tưởng mình là chân lý đấy thôi.


LÀ KẾT QUẢ

Bờ vai tôi trước đây màu trắng
Sao bây giờ bờ vai trở thành đen?
Màu đen – tàn tích của những ngày chiếu sáng
Cháy mặt trời, bờ vai cũng cháy lên.

Tóc của tôi trước đây có màu đen
Sao bây giờ tóc trở thành màu trắng?
Màu trắng là kết quả của những đêm
Những đêm đen đã nhọc nhằn chiếu sáng.


TẠI VÌ SAO

“Tại vì sao mà con chim màu trắng
Không bay vào đậu ở dưới chân ta?
Chim không yêu hay là chim sợ ta?”
“Có thể yêu, nhưng mà không tin tưởng!”

“Tại vì sao con thú trước mắt ta
Khắp mọi nơi đều tìm cách lẩn tránh?
Thú không yêu hay là không tin tưởng?”
“Có thể yêu nhưng vì thú sợ ta!”


TÔI NGỠ RẰNG

Vừa mới sinh ra một chàng kỵ sĩ
Tôi ngỡ rằng tôi vừa mới ra đời.
Ở đâu đó đám cưới đang ầm ĩ
Tôi ngỡ rằng đang cưới vợ cho tôi.

Ở đâu đó có một người bị giết
Bà mẹ già thương tiếc đứa con trai
Những người phụ nữ ngồi khóc thảm thiết
Tôi ngỡ rằng những kẻ khác chôn tôi.



NHỮNG THỨ LÀM CHO NGƯỜI CHẾT

Có một điều không làm tôi kinh ngạc
Những điều này đã có tự lâu rồi:
Sự vu khống, dối gian và thuốc độc
Những thứ làm nên cái chết con người.

Nhưng có lẽ trời không cho tôi biết
Tại vì sao vẫn tồn tại một điều:
Là rượu, sự thật và cả tình yêu
Cũng là những thứ làm cho người chết.


LÀM SAO QUA ĐƯỢC

“Ơi những ngọn đồi, cánh đồng tuyết trắng
Tôi biết làm sao có thể đi qua?”
“Ngươi đi qua chúng tôi, một khi mà
Có bài hát và bạn đường bên cạnh”.

“Ơi con suối trong rừng cùng thác nước
Tôi biết làm sao có thể vượt qua?”
“Khi bài hát, người bạn đường ở xa
Thì muôn đời nhà ngươi không qua được”.


BÀI THƠ TÔI

Ống kim tiêm, ôxy dẫn từ vòi
Sống và chết giành giật nhau đến sáng
Người thầy thuốc giống như bồ câu trắng
Trên đầu giường người chị gái của tôi.

Bài thơ tôi được viết bằng máu đấy
Tôi đớn đau suy nghĩ một điều này:
Thơ dù một lần trên đầu giường của ai
Có là người chị nhân từ không vậy?


ẤN ĐỘ ƠI

Trên trán Người một chấm son cháy đỏ
Như dấu triện trong thư, Ấn độ ơi
Tôi mở phong bì theo từng dòng chữ
Tôi muốn ôm lấy Người, Ấn độ ơi.

Tôi thấy khắp nơi những nhà rách nát
Rất nhiều thư tôi nhận, Ấn độ ơi
Nhưng khổ đau hơn bức thư của Người
Cho đến bây giờ tôi chưa hề đọc.


ĐÁM CƯỚI KẺ BẦN NÔNG

Ở Đê-li chú rể làm đám cưới
Thì những nhạc công thể hiện hết mình.
Cha mẹ chàng rể khó nhọc mười lăm năm
Gom từng đồng để trả cho đám cưới.

Đôi vợ chồng trẻ còn nhiều năm nữa
Đổ mồ hôi để trả hết nợ nần.
Giá tự do nhiều dân tộc cũng thế
Được trả như đám cưới kẻ bần nông.


ĐỒNG ĐẤT KHÔ CẰN

Tôi ngỡ mình như đồng đất khô cằn
Vì mùa màng tôi phải oằn lưng xuống
Tôi còm cõi, héo khô nhưng mà chẳng
Sinh cho đời dù một ngọn hay bông.

Tôi lại ngỡ mình là kho đựng lúa
Lúa đổ đầy tôi muốn vỡ tung ra.
Còn mùa đông gió gào thét trong kho
Và báo trước một mùa xuân đói khổ.


THUỞ XA XƯA

Thuở xa xưa phạt nghiêm khắc những kẻ
Dám cả gan đem ra vẽ hình người
Bởi cho rằng chỉ một mình Thượng đế
Tạo ra bằng bàn tay của Ngài thôi.

Có rất nhiều đường nét của con người
Không vẽ được, dù hoa văn hay mực
Bởi trong tranh ngay cả núi và đồi
Tái nhợt hơn cả đồi và núi thực.


TRÁI ĐẤT

Trái đất là quả dưa – với một người này
Họ bổ dưa, cắt nhỏ ra từng mảnh.
Với người khác – trái đất là quả bóng
Trên sân chơi những cầu thủ giành nhau.

Trái đất với tôi không phải dưa hay bóng
Mà trái đất là gương mặt với tôi
Tôi dỗ dành, chùi nước mắt cháy bỏng
Vết máu tôi lau, tôi hát về người. 


CON SẾU 999

Ở Hirôsima người ta tin rằng:
Ai nhiễm xạ sẽ vượt qua cơn bệnh
Nếu người đó cắt ít nhất một nghìn
Nghìn con sếu được cắt bằng giấy trắng.

Đời đang đau, hãy lấy ra trang giấy
Hãy nghĩ về những con sếu đang bay
Và xin đừng chết giống như cô gái
Với con sếu 999 ở trong tay.


NGHE NÓI RẰNG

Nghe nói rằng thuở khai thiên lập địa
Lời nói đầu tiên có mặt trên đời.
Lời cầu nguyện và thề nguyền trong đó?
Hay sự cầu xin và mệnh lệnh trong lời?

Cho khỏi tan hoang, huỷ hoại cuộc đời
Ta cần lời bây giờ, có thể lắm
Dù trong lời: thề nguyền hay cầu nguyện
Dù sự cầu xin và mệnh lệnh trong lời.


ĐÂU LÀ BIÊN GIỚI

Ở quê tôi người ta thường nói rằng
Có những bờ phân chia từng suất ruộng
Nhưng nếu mưa đá bỗng nhiên trút xuống
Thì chẳng còn bờ, dấu vết sạch trơn.

Trái đất phân chia theo đường biên giới
Nhưng nếu bão dông hay mưa đá rơi
Chúng không hỏi đâu là ruộng của ai
Chúng không nhìn ở đâu là biên giới.