Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

BÀI VIẾT – Những ngôi sao sáng


Những ngôi sao sáng - Высокие звезды 

Một số người làm thơ vì họ biết làm thơ, những người khác ngỡ rằng họ biết làm thơ và một số người không làm thơ nhưng có lẽ họ là ân sủng của nghệ sĩ.

Thơ là gì? Mỗi người có một lời giải thích riêng. Cô sơn nữ lần đầu biết đến sự kỳ diệu của tình yêu, một buổi sáng nhìn qua ô cửa sổ đã thốt lên: “Cây cối đã nở hoa trong đêm!" Người mẹ già thắc mắc: “Con thấy hoa ở đâu vậy?” Lúc đó là cuối mùa thu, tuyết đã rơi... Cùng một buổi sáng, người ngỡ dường như mùa xuân, người khác – là mùa thu. Thơ là gì, tình yêu là gì? Đối với tôi, thơ rất giống với tình yêu. Không có thơ, giống như không có tình yêu, sẽ không có bí ẩn của cái đẹp, sự kỳ diệu của sự biến đổi. Núi không có thơ là một đống đá đơn giản, mặt trời là thiên thể tỏa nhiệt, tiếng chim hót là tiếng kêu của con cái gọi con đực, và nhịp đập của trái tim chỉ là sự lưu thông máu tăng lên. Tất nhiên, có hy vọng và lòng tốt, niềm tự hào và giận dữ, lòng thương hại và sự dịu dàng nhưng tất cả chúng, những khái niệm này, được sinh ra từ thơ ca, giống như thơ được sinh ra từ chúng.

Khi nhân vật Abutalib của tôi được hỏi anh ta đã yêu bao nhiêu lần, anh ta trả lời: “Một ngàn lần”. “Có quá nhiều không?” – Tôi đã viết một ngàn bài thơ, và mỗi bài thơ là một tình yêu. Tình yêu làm di chuyển ngòi bút của nhà thơ. Nhưng không cần phải đơn giản hóa rằng tất cả thơ ca là một lời tỏ tình. Khi bạn giải thích vô tận, sự công nhận là vô giá trị. Nhà thơ nói nhân danh tình yêu: tình yêu dành cho ngôi nhà của bố, cho trái đất, cho những người đã trở nên thân thương, cho người phụ nữ duy nhất.

Chúng ta biết những câu chuyện tình của Shakespeare, Pushkin, Lermontov, Blok, Mayakovsky, Yesenin ... – họ đã không giữ tình yêu của mình trong tấm khăn che mạng. Khi tôi đọc một số nhà thơ hiện đại, tôi có cảm tưởng rằng chính họ không biết họ yêu ai. Trước đây, ở vùng núi của chúng ta phụ nữ đeo khăn che mạng còn những câu thơ đã mở, táo bạo, rộng tầm nhìn, còn bây giờ phụ nữ tự do nhưng những câu thơ về phụ nữ nằm trong tấm khăn che mạng. Có vẻ như tác giả đang đề cập đến bức chân dung chứ không phải là con người sống động. Chủ đề về phụ nữ – về người mẹ, về người yêu dấu dường như hoàn toàn là cá nhân, nhưng nó trở nên xã hội, dân sự, phổ quát – tất cả phụ thuộc vào âm thanh của nó. 

Tất cả thơ ca là “yêu” và “không yêu”. Nhưng vẫn còn phần thứ ba – tòa án. Chúng ta có thể nói về thơ: “Tòa đang phán xét”, và tôi đặt tên như vậy cho cuốn sách mới mà tôi đang viết bây giờ. Tất cả chúng ta đều đứng trước tòa án lương tâm, trước tòa án sự thật. Nhà thơ được triệu tập làm nhân chứng cho tòa án vĩ đại của lịch sử. Nhân chứng, như tòa yêu cầu, đưa ra lời hứa nói sự thật, và chỉ sự thật, nếu không anh ta sẽ bị trừng phạt. Nếu nhà thơ đưa ra lời khai sai, hình phạt có thể rất đáng sợ: anh ta sẽ không còn tồn tại như một nhà thơ, cái chết của anh ta là không thể tránh khỏi. Nhưng người sáng tạo không chỉ là một nhân chứng. Tiếng nói bên trong của anh ta là tòa án. Thà không có tài năng còn hơn là tài phục vụ những lời nói dối, đưa ra lời khai không trung thực tại phiên tòa lịch sử. Những lời nói dối được trình bày càng tài giỏi hơn thì càng tồi tệ hơn đối với con người

Tôi đang viết cuốn sách về cách một nhà thơ và thơ ca chống lại cái ác – với sự giả dối, thờ ơ, giả nhân giả nghĩa... Cuốn sách là một tòa án trong đó nhà thơ sẽ đưa ra câu trả lời: anh ta đã gì làm để khẳng định điều tốt, để con người không biết đau buồn, anh ta đã bảo vệ con người trong con người và giúp người ấy ra sao.
Thiên nhiên là nghệ sĩ tốt nhất. Có những người hiểu ngôn ngữ tự nhiên, nhưng có những người  “điếc” và “mù”. Nhà thơ là dịch giả của ngôn ngữ tự nhiên. Thiên nhiên là vĩnh cửu còn thời tiết thì thay đổi. Thiên nhiên thì kiệt xuất mà thời tiết thì xu thời. Thiên nhiên là chương đầu tiên của Hiến pháp Thơ ca, không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: món quà của Thượng Đế. Chương thứ hai: kinh nghiệm của thời gian, sự chuyển động của cuộc sống và tâm hồn, các sự kiện và những cú sốc để lại dấu vết khác nhau trong sáng tạo của nghệ sĩ.


Chúng ta đã quen với việc chia các nhà thơ – thời chiến tranh, thế hệ sau chiến tranh, nhà thơ công nhân, nhà thơ Đoàn Komsomol, mà điều này là trái với qui luật của thi ca. Nhưng có một điều tôi biết: nếu không có những sự kiện quy mô lớn như là cuộc cách mạng, thì đã không có nhiều nhà thơ lớn. Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã sinh ra những nghệ sĩ từ ngữ tuyệt vời. Các sự kiện của thập niên 50, khi quá khứ gần đây được đánh giá lại cũng đóng một vai trò nhất định trong thực tế là thơ được bổ sung bằng những cái tên tuyệt vời. Nhiều người hỏi: thế còn bây giờ, khi cái bóng đáng sợ của thảm họa hạt nhân treo khắp hành tinh, khi những lời kinh khủng như “bom neutron”, “chạy đua hạt nhân” đã đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta – tại sao thơ ca hôm nay lại lặng lẽ như vậy, tại sao tuổi trẻ của chúng ta không đưa ra những người sáng giá, giận dữ và táo bạo? Tôi nghĩ rằng chúng ta không phải đợi lâu. Thế giới đang lo lắng, và khi nỗi đau và sự bất an rải rác trong không khí thì các nàng thơ không im lặng. Cuộc đấu tranh, những cú sốc của cuộc sống sẽ gây ra một cơn bão trong thơ. Trước đây, một người chịu trách nhiệm cho ngôi làng của mình, còn bây giờ – cho cả thế giới. Không ai bắt chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta vĩ đại, nhưng cũng không ai cho phép chúng ta là nhỏ bé cả.

Nhà thơ không nên là cái bóng của thời gian. Một điều đã xảy ra với tôi: đó là khi anh hùng Sa-min của chúng ta bị vu khống, bị gọi là đặc vụ của Anh - Thổ Nhĩ Kỳ, người ta tuyên bố rằng ông không đấu tranh cho tự do của các dân tộc Dagestan mà kích động sự thù hằn giữa các dân tộc. Tôi đã từng viết những bài thơ tố cáo Sa-min. Tôi đã không hiểu biết lịch sử. Tôi đã không hiểu bản chất của những gì đang xảy ra, tôi giống như một người miền núi mở cuốn Koran, không biết một chữ cái Ả Rập nào nhưng cảm thấy rất vui mừng. Nhà thơ không thể là cái bóng. Tóm lại, Thơ luôn là lửa, là nguồn sáng, dù là ánh sáng yếu, nhưng ánh sáng yếu hay mạnh cũng không có bóng, chỉ có ánh sáng từ ánh sáng. Trong thơ người ta phải là chính mình. Người ta phải đến với nó bằng những cảm xúc tốt đẹp, sau đó mới có thể đánh thức được những người khác. Thơ và sự xảo quyệt tinh ranh, thơ và sự bạc nhược yếu hèn là không tương thích.

Trên thanh kiếm Sa-min từng cháy lên
Những lời tôi thuộc từ thời thơ ấu:
“Kẻ hèn nhát, anh người đang chiến đấu
Lại nghĩ suy về hậu quả của mình!”

Nhà thơ hãy để cho những lời trên
Chung sống cùng, tiếp sức cho ngòi bút:
“Kẻ hèn nhát, anh người trong trận mạc
Lại nghĩ suy về hậu quả của mình!”

Tôi không thích khi người ta nói: Blok của Bashkir, Yesenin của Dagestan... Mỗi nhà thơ là một đơn vị độc lập, một giá trị độc lập.

Mấy ngày trước, tôi đã đọc cho những người Avar câu chuyện về Mahmud, ca sĩ tình yêu của chúng tôi. Thời trẻ, tôi tin rằng ông là tác giả của những bài thơ thân mật chỉ hướng đến một người yêu. Bố tôi mắng tôi vì sự hẹp hòi về quan điểm. Bây giờ tôi hiểu rằng đó là sự can đảm của công dân – viết như thế trong thời của Mahmud về một người phụ nữ để tôn vinh người ấy. Chống lại ông là phong tục tập quán, làng, Kinh Koran – tất cả đều chống lại ông. Một người “nổi loạn chống lại ý kiến cả thế gian.” Với trường ca này, tôi phải đọc một số tài liệu lưu trữ, văn học lịch sử, nơi có thông tin về những người mà Mahmud gặp phải trong cuộc hành trình của đời mình. Chúng không có trong câu chuyện nhưng để viết về Mahmud, tôi phải biết mọi thứ về ông
“Thơ không phải viết – mà xảy ra như vậy” – Voznesensky nói thế. A. Akhmatova trong loạt bài “Bí mật của nghề thủ công” thừa nhận: “Và đơn giản là những dòng chính tả nằm trên cuốn sổ tay trắng như tuyết”. Bạn đang chờ thơ, như bạn đang chờ gặp gỡ với cô gái người yêu của bạn, bạn đau khổ, uể oải, nhưng cô ấy vẫn không thấy đâu. Và đột nhiên! – “Ôi Nàng thơ, có phải em không?”

Có những giờ phút hạnh phúc khi những câu thơ “đi đến”, “xảy ra”. Và có ý kiến cho rằng những thứ này rớt xuống từ đâu đó, là những dòng hay nhất, thành công nhất. Có thể, nhưng tôi nghĩ rằng, sự tỏa sáng rơi xuống trên vùng đất đã được chuẩn bị, lao động của tâm hồn đi trước sự linh cảm, một công việc bên trong đang diễn ra, dường như là không rõ ràng, không nhìn thấy, nhưng ... Không ai có thể biết những ấn tượng, những dòng chảy của yêu thương và thù hận đang chạy trong cơ thể của tôi, không  gì có thể bắt được chúng.  Nhưng sau đó đã có một bài thơ thành công nhất mà tâm hồn tôi có thể sinh ra từ những ấn tượng của cuộc sống chảy qua tôi. Một việc khác nữa là truyền thuyết và trường ca. Ở đây công việc rất rõ ràng, sự chuẩn bị “thể lực”. Và Voznesensky, tôi nghĩ, khi ông sáng tác trường ca “Avos!” về tình yêu của Rezanov người Nga đối với người đẹp San Francisco, đã phải đi đọc những cái gì đó, và lục lọi trong các tài liệu cũ.

Tôi muốn tập hợp một tuyển tập thơ Nga trong những bản dịch của mình, một tuyển tập những bài thơ mà tâm hồn bị thu hút. Tôi bắt đầu dịch năm 18 tuổi, đã in “Cái chết của nhà thơ” bằng tiếng Ava và cho đến ngày hôm nay tôi vẫn dịch. Tôi dịch rất nhiều, chủ yếu là kinh điển. Esenin, người gần gũi với tôi, người đã đem đến cho tôi nước Nga, nước Nga xưa, thơ của ông chưa được thành công như mong muốn bằng tiếng Ava của tôi. Còn Mayakovsky rất xa với thơ Ava, tôi không dịch. Tôi vừa dịch Nekrasov, cuối cùng tôi đã tìm thấy chìa khóa cho thơ ông. Mỗi người cần một chìa khóa riêng, bởi vì mỗi lâu đài đều có bí mật riêng, và không dễ để một người lạ bước vào ngôi nhà thân yêu này, đẹp, nhưng không phải nhà của mình.

Dịch thuật là một việc làm cần thiết, không thể thay thế, cả một trường phái đặc biệt. Việc đọc của người đọc và việc đọc của dịch giả là khác nhau. Tôi hầu như thuộc lòng “Poltava” của Pushkin, đọc nó vô số lần nhưng ngồi xuống để dịch lại là một cách đọc khác: với sách tham khảo, bách khoa toàn thư, văn học lịch sử.

Là một dịch giả, điều chính đối với tôi là giữ gìn tinh thần và tính cách của tác phẩm. Đối với câu thơ tiếng Nga vần tự nhiên và trong tiếng Avar, vần cuối giống như cúc trên áo buốc-ca. Trong tiếng Avar, sự nhấn mạnh được đặt vào sự ám chỉ, điểm ngắt giọng, kích thước truyền thống. Khi bạn dịch, chuyển các hình thức thơ của ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, bạn không thể vi phạm các hình thức của ngôn ngữ khác này, giống như bạn không thể phá khóa khi vào nhà. Ở Dagestan, người ta đã cố gắng dịch “Evgeny Onegin” bằng thơ Onegin của Pushkin – không thành công, thơ không sống được. Khi người ta dịch Lermontov, tuân thủ qui tắc tiếng Nga nhưng vi phạm truyền thống của thơ Ava, những người miền núi đã nói với tác giả của bản dịch: “Với chúng tôi, không phải Martynov đã giết Lermontov, mà là bạn”.

Tôi coi các nhà thơ – dịch giả Nga như là những phi công, nhờ họ mà chúng tôi thấy mình trong một thời gian ngắn đã có mặt ở các nước xa xôi, trên các lục địa khác nhau, và nhờ các dịch giả – những bài thơ của chúng tôi đến những nơi khác nhau trên khắp hành tinh. Tôi đã rất may mắn với các dịch giả. Đầu tiên là I. Selvinsky, sau đó, khi học tại Trường viết văn, thơ của tôi bắt đầu được Y. Khelemsky, N. Grebnev, Y. Kozlovsky, E. Nikolaevskaya dịch. Sau đó nữa là R. Rozhdestvensky, V. Soloukhin, Yu. Neyman, Yu. Morits. Họ không biết tiếng Ava, nhưng họ cảm nhận đất đai, văn hóa, ngôn ngữ của chúng tôi. Xin cám ơn các bạn!

Nói thêm về việc dịch. Tôi thấy lo lắng cho những bản dịch được các nhà xuất bản tổ chức. Một cuốn sách theo kế hoạch được phân phối theo hàng cho các nhà thơ. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những lý do tại sao rất nhiều cuốn sách dịch hỗn tạp và kém chất lượng xuất hiện. Dịch thuật đã trở thành một sự sản xuất hàng loạt, và trên dây chuyền này làm sao tính nghệ thuật sẽ không bị đánh mất. Dịch là một công việc cá nhân, cảm thấy sự hòa đồng, bằng một tay, không có tâm hồn, không có trái tim, bạn không thể làm điều đó.

Tôi đang viết nhiều thứ cùng một lúc – “Tòa án đang xét xử”, thơ trào phúng, thơ châm biếm và đang hoàn thành cuốn “Thế kỷ và Hòa bình” – những suy ngẫm về ngày hôm nay, về hành tinh của chúng ta, về cảm giác lo lắng cho số phận của nó.

Tôi tiếp tục viết trường ca “Buổi hòa nhạc”. Tôi được kể lại rằng vào đêm trước ngày đầu tiên của chiến tranh ở Brest có một buổi hòa nhạc. Lính Đức quốc xã xông vào thành phố hả hê: bây giờ sẽ có một buổi hòa nhạc – buổi hòa nhạc của cái chết. Những người lính của chúng ta sau này đã đặt tên cho chiến dịch phản công là “Buổi hòa nhạc”. Sau nhiều thập kỷ, khi nghe một buổi hòa nhạc ở Potsdam, tôi nghĩ về những buổi hòa nhạc đẫm máu của những năm bốn mươi khắc nghiệt. Đây là trường ca chống chiến tranh. Trên thực tế, tất cả các tác phẩm của tôi trong những năm gần đây đều là chống chiến tranh, chống lại sự vô nhân đạo. Truyền thuyết về Mahmud và Mariam cũng thế: ai là kẻ đào ngũ trong tình yêu thì kẻ đó trong chiến đấu với kẻ thù cũng là kẻ đào ngũ.

Chúng tôi thường gặp Tvardovsky, nhưng anh ấy không nói đến tác phẩm của tôi. Anh nói: “Một số trí thức Liên Xô đánh giá anh rất cao”. Khi tôi đưa cho anh ấy đọc bản thảo “Dagestan của tôi”, anh ấy mời tôi đến tòa soạn của tạp chí “Thế giới mới”. “Anh nói lời chúc rượu rất dài – anh nói – nhưng tôi muốn uống sớm. Cuốn sách của anh có nhiều chỗ rất dài dòng”, và anh ấy chỉ cho tôi những chỗ được đánh dấu bằng bút chì. Tôi ngạc nhiên khi phán đoán của anh ấy trùng khớp với ý kiến của Fadeev, mà ông đã bày tỏ trong một lá thư gửi cho tôi vào tháng 11 năm 1953, khi ông đọc cùng lúc với trường ca “Cuộc trò chuyện với cha”, bài thơ “Lời chúc rượu” và hai bài thơ nữa.

“Tôi rất khó để nói chính xác là trong trường ca này với sự suy ngẫm và với sức mạnh trữ tình của nó có những chỗ dài dòng, nhưng chắc chắn nó sẽ hay hơn nếu nó ngắn hơn. Tôi đặc biệt muốn nói điều này, bởi vì bài thơ “Lời chúc rượu” được viết theo một thanh điệu khác, vui tươi, sôi nổi đồng thời với ngữ điệu đáng chú ý của anh và sự cụ thể của hình ảnh, tuy nhiên, cũng sẽ hay hơn nếu có khoảng hai hoặc ba khổ ngắn hơn. Về vấn đề này, một ví dụ là bài thơ “Khi trong ta mọi thứ đều tốt lành…” Không có gì thừa thãi trong đó”. Fadeev viết như vậy khi đã kiểm tra chi tiết những gì đã đọc. Ông ấy khen: “Anh cứ tiến lên phía trước và cao hơn” – nhưng tôi chủ yếu học được từ những lời chỉ trích thân thiện của ông. Và bỗng nhiên Tvardovsky cũng nói điều tương tự – quả là có một cái gì đó để suy ngẫm.

Tvardovsky vốn rất kiềm chế trong các đánh giá của mình, nhưng khi một tác phẩm hay, đáng chú ý xuất hiện ở “Thế giới mới” mà anh đang biên tập vào thời điểm đó, Alexander Trifonovich đã thừa nhận: “Vui thế chứ, như thể tôi đã tự viết nó”. Tôi thường nhớ lại những cuộc trò chuyện của chúng tôi. Tôi nhớ anh đã nhận được giải thưởng Lenin ra sao và cách một nhà văn đổ lỗi cho anh rằng anh làm báo ít, và Tvardovsky trả lời: “Tất cả thơ của tôi thơ chính luận. Tất cả những gì tôi viết bên trong phải là chính luận”. Tôi nhớ anh ấy bất cứ khi nào cần đi công tác nước ngoài về các vấn đề văn chương xã hội. Tvardovsky được mời sang Mỹ và anh đã không đi. “Nếu tôi đã tận dụng lời mời, anh ấy nói, thì tôi sẽ không hoàn thành xong trường ca “Xa xa phía chân trời”. Tôi luôn ấn tượng sâu sắc bởi anh biết rất rõ thơ châu Âu, thơ phương Đông. Anh yêu thích văn xuôi và đề nghị: nhà thơ cần đọc văn xuôi nhiều hơn nữa.

Văn xuôi không hay khi mà nó nói về những gì chúng ta biết – mặc dù những gì chúng ta biết nhưng đã quên thì không có lỗi để nhắc nhở chúng ta – mà khi nó mở ra cái mới, khiến chúng ta nghĩ về những điều mà ta không tập trung vào trước đó. Nhà thơ có cần viết văn xuôi không? Ở đây, tùy trường hợp, tùy vào sự đòi hỏi của vật liệu. Tôi đã thử sức bằng văn xuôi – đã xuất bản hai phần “Dagestan của tôi”, phần thứ ba tôi không làm sao kết thúc được. 

Tất nhiên, tôi không thể bỏ qua văn xuôi của A. Voznesensky, một nhà thơ rất tài năng, người mà tôi cảm thấy tôn trọng và yêu mến bởi sự bồn chồn và không mệt mỏi của những cuộc tìm kiếm. Người ta có thể tranh luận về văn xuôi của anh – có cớ để mà nói điều này – nhưng những quan sát thú vị, những chi tiết và cái nhìn của anh về các nghệ nhân văn hóa nổi tiếng qua cuộc đời của chính anh. Thú vị ở những ý tưởng của anh về nghệ thuật, về những cái tên nổi tiếng thế giới. Đây không phải là tự quảng cáo, đây là một cuộc trò chuyện cởi mở về sự hiểu biết của mình về những nhân cách lớn, về sáng tạo của họ.

Thể hiện mối quan hệ của mình với họ không phải là mục đích tự thân, mà thông qua nó để tác giả khẳng định hay phủ nhận điều gì đó. Văn xuôi này là về nghệ thuật – không phải là đối trọng với văn xuôi truyền thống mà Aitmatov và Astafyev viết rất hay, thật đáng tiếc khi phải nói rằng “đã viết”, Abramov ... Đây là một thứ văn xuôi khác, nhưng chúng không xung đột với nhau. Giống như mọi thứ chân chính, văn xuôi của Voznesensky không thể đọc qua loa, phải đọc nó chậm – từng trang, từng trang, không có khoảng trống nào với tôi trong đó, không có gì để bỏ qua.

Ngoài những thứ nói trên, văn xuôi đòi hỏi một lượng kiến thức lớn, rất nhiều công việc chuẩn bị. Tôi không hiểu làm sao mà một số tác giả mỗi năm viết một cuốn tiểu thuyết, trong vài ba năm đã phát hành các sử thi, tiểu thuyết hai tập, ba tập... Cả Fadeev và Tvardovsky đều khuyên tôi: đừng vội vàng. “…Anh có quá vội vàng và in quá nhiều không, bởi vì chuyện viết lách cần nhiều lao động lắm và cũng đừng vội in ra tất cả, điều này sẽ làm anh mất kiểm soát”, tôi muốn truyền đạt lời khuyên khôn ngoan của Fadeev cho tất cả mọi người, đặc biệt với những người trẻ tuổi, họ in hết tập này đến tập khác thứ văn xuôi mà nếu đọc đến cuối, người ta sẽ sớm quên nó mãi mãi. Ngày xưa, những bài thơ đã trở thành tục ngữ, châm ngôn, những câu nói ở cửa miệng của mọi người, còn bây giờ người ta lấy một câu châm ngôn, một lời hay ho nào đó rồi viết thành một bài thơ dài dằng dặc.

Có lần dịch giả Yakov Kozlovsky bạn tôi đưa tôi đến gặp Marshak, sau đó tôi thường đến thăm anh. Samuel Yakovlevich muốn nghe âm thanh của tiếng Ava. Anh ấy yêu cầu tôi kể một câu chuyện Ava nào đó. Tôi kể về Dingir-Dangarchu, vui vẻ, bay lên trời theo dòng nước mưa. Marshak thích câu chuyện này và nhắc lại tên nhân vật: “Dingir-Dangarchu. Dingir-Dangarchu”. Trên miệng của Marshak cái tên này nghe như một tiếng chuông du dương. “Thật tuyệt khi viết một cuốn sách cho trẻ em về Dingir-Dangarchu – anh ấy khuyên – và nếu có một tạp chí dành cho trẻ em ở Dagestan, thì hãy gọi theo tên này”. Vào thời xa xưa, những người dân vùng cao trẻ tuổi được giao ba nhiệm vụ để kiểm tra trí thông minh, sự tháo vát và tài ứng phó của họ: bổ một gốc cây bằng rìu cùn, cày một con dốc đá và kể ba câu chuyện. Mỗi lần, Marshak cũng bắt tôi kể những câu chuyện, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn nói về ngôi làng Tsada, về cha tôi, về bản thân tôi ...

Sau đó, trong lời nói đầu mà anh ấy đã viết cho cuốn sách gồm hai tập của tôi, tôi đã đọc: “Ở Kavkaz người ta nói rằng làng Kubachi nổi tiếng với vết khắc đẹp nhất trên vũ khí còn làng Tsada nổi tiếng với những câu tục ngữ rõ ràng nhất. Từ những câu tục ngữ này, từ những bài hát và truyền thuyết dân gian, một con đường thẳng dẫn đến thơ của Rasul Gamzatov”. Nhưng nguồn gốc của những bài thơ Gamzatov không chỉ có trong thơ ca dân gian vùng cao. Tôi nhớ trong một lần chúng tôi gặp nhau, Rasul nói với tôi rằng anh từng được hai người phụ nữ nuôi: khi mẹ bị ốm, anh được một người phụ nữ nông dân miền núi cho bú. Còn trong văn học anh cũng có hai bà vú nuôi: đó là thơ ca phương Đông và nền thơ Nga vĩ đại…”

Nói rằng giao tiếp với Marshak mang lại rất nhiều điều thì cũng như không nói gì: nó còn hơn cả một trường Đại học. Tôi thích đến thăm anh ấy với Tvardovsky. Tôi là người chứng kiến những cuộc trò chuyện, những tranh luận văn học sôi nổi! Tôi đã có được niềm hạnh phúc vô giá khi chứng kiến tình bạn của hai người này, họ khác nhau về bản chất, tính cách, tuổi tác và tất cả đều khác biệt, nhưng Thơ ca xích gần họ lại gần với nhau và trước Thơ ca, mọi thứ cá nhân đều dẹp qua một bên, chỉ còn ở một nơi nào đó rất xa. Marshak đọc những bản dịch của mình, tiết lộ lịch sử của từng điều, Tvardovsky không giấu được sự sảng khoái: “Tuyệt vời bằng tiếng Nga!”

Số phận đã cho tôi một sự làm quen tốt, một mối tương giao hoan hỉ, một tình bạn vui vẻ, đáng tin cậy với những người tuyệt vời. Giao tiếp với Chukovsky, Tikhonov, Smelyakov, Svetlov đã cho tôi rất nhiều – cuộc sống của tôi, số phận của tôi, tác phẩm văn học của tôi là không thể tưởng tượng được nếu không có họ. Tôi đã dự buổi hội thảo về Antokolsky tại Trường viết văn. Buổi tập hợp đầu tiên sau chiến tranh đã rất may mắn: thật là một bầu không khí của tình bạn, một tinh thần của tình anh em, những giáo viên dạy chúng tôi cũng tuyệt vời! Tôi có nhiều bạn bè ở các nước cộng hòa, họ bây giờ vẫn sống. Thật không may, năm tháng đã lấy đi mãi mãi nhiều người mà chúng tôi yêu quí, và hôm nay đã không còn nhiều người từng có sự ảnh hưởng nghệ thuật và tình người vô giá đối với tôi.

Bao nhiêu năm của cuộc đời sáng tạo trên đôi vai? Thật khó mà xác định.


Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình của một nhà thơ và bắt đầu là thơ từ rất sớm. Tôi chưa đầy hai mươi tuổi khi cuốn sách bằng tiếng Avar đầu tiên được xuất bản, nhưng đó chưa phải là sự bắt đầu. Tôi coi sự khởi đầu cuộc đời sáng tạo của mình là thời gian mọi người bắt đầu đọc tôi, chứ không phải lấy tờ báo có in những bài thơ của tôi để cuộn thuốc hút. Tôi đã viết những bài thơ đầu tiên theo lịch, như Yevtushenko đã định nghĩa một cách khéo léo rằng đây là “thơ Đan Mạch”. Khi tôi vào học Trường viết văn, tôi nghĩ rằng từ đây hoạt động sáng tạo của tôi bắt đầu. Hóa ra đây cũng chưa phải là khởi đầu. Tôi chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nhà thơ Nga hay và khác nhau, và đây là sự mất mát của đất Dagestan. Tôi rời làng, nhưng tôi không đi đến thành phố: mà một cái gì đó ở giữa. Người ta mắng tôi, mà cũng đúng, người ta nói với tôi: anh phải trở nên nổi tiếng trong làng mình cái đã rồi sau đó mới đến Moskva. Tôi tin rằng tôi trở thành nhà thơ khi những bài thơ xuất hiện mà tôi có thể đọc được ở làng và ở Moskva. Thường là trong năm thứ nhất chúng tôi nghĩ rằng mình là những nhà thơ tuyệt vời, chỉ đến năm thứ năm thì chúng tôi bắt đầu nghi ngờ. Cá nhân tôi thích nghi ngờ hơn là tự phụ. 

Bây giờ, khi nhìn xung quanh, tôi nhận ra: có cái gì đó đáng lẽ không viết, mà có nhiều thứ tôi chưa viết lúc này. Các thợ kim hoàn ở Kubachi có chất “kazab” giúp họ phân biệt vàng thật với vàng giả. Người đọc cũng có một công cụ như vậy, một cảm giác đặc biệt của những người sành sỏi chỉ qua một từ là họ ngay lập tức phân biệt với nhiều người khác, cho dù chúng có được trang trí kiểu gì – vẫn là những lời trống rỗng. 

Khi những người đồng hương đọc thơ bạn, khi người ta đến dự những buổi đọc thơ, khi có hàng ngàn người lấp đầy sân vận động Luzhniki thì có hai cảm xúc chi phối bạn: lòng biết ơn và trách nhiệm. Mọi người đã đến với bạn – hãy cảm ơn họ, nói chuyện trung thực với họ, mang sự thật, kêu gọi hướng tới điều tốt đẹp. Một nhà thơ chỉ đạt được mục tiêu của mình, khi cúi xuống trước dòng thơ của anh, người đọc sẽ nghĩ: “Đây là những suy nghĩ và cảm xúc của tôi, tôi ở đây”. 
1983
________________
*Высокие звезды – tiếng Nga là “Những ngôi sao cao”, vì đây cũng là tên một cuốn sách của Rasul Gamzatov nên tiếng Việt cũng đã có những người dịch là “Những ngôi sao xa” hoặc “Những ngôi sao xa xôi” vv… Khi dịch bài viết này chúng tôi mới biết là phải dịch là “Những ngôi sao sáng” thì mới đúng với tinh thần của tác phẩm. Rasul Gamzatov nói về nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thời Nga – Xô Viết với ông. Họ là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của thời kỳ đó, họ đúng là những ngôi sao và là “Những ngôi sao sáng”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét