Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

BÀI VIẾT – Đàn sếu giữa trời


Đàn sếu giữa trời - В небе журавли 
(Độc thoại của nhà thơ về ký ức và hy vọng)

Thời gian là những giờ và những phút, là người chứng kiến của nhà thơ. Và anh ta phải giữ lại từng khoảnh khắc, cảm nhận chiều sâu của nó, cảm nhận từng khoảnh khắc như một phần nhỏ của vĩnh hằng. Đó là lý do tại sao nhà thơ không thể không suy ngẫm về tuổi trẻ và tuổi già, về cuộc sống phù vân và sự vô tận của cái đẹp – nếu không, anh ta sẽ không viết được những bài thơ hay. Nhưng một suy nghĩ sâu sắc về số phận cá nhân, câu hỏi muôn thuở “nên hay không nên?” của Hamlet ngày nay, trong nhận thức của người nghệ sĩ, đang trở thành một vấn đề có qui mô hành tinh, bởi vì vấn đề của con người, cuộc sống và sự bất tử của các vấn đề không thể được giải quyết một cách tách biệt khỏi vấn đề số một toàn cầu. 

Nhận thức cá nhân về sự mong manh của thế giới chúng ta trước mối đe dọa của sự không tồn tại nguyên tử đến với mỗi người theo cách riêng của nó. Hơn hai mươi năm trước tôi đã ở Nhật Bản. Và từ đâu đó, có lẽ là từ Siberia của ta, những đàn sếu đã bay đến tránh mùa đông. Chúng trông giống như những con chim trắng khổng lồ ... Chỉ màu trắng. Có lẽ bởi vì quần áo trắng của các bà mẹ Nhật Bản gần giống với những chiếc khăn choàng đen của những người phụ nữ miền núi ở ta. Người ta khoác chúng trong những ngày để tang. Màu trắng, bởi vì những người bị mù bởi bom nguyên tử gõ vào những viên đá ở Hiroshima bằng những cây gậy màu trắng. Sự rạng rỡ của tán lá và đỉnh núi tuyết Phú Sĩ bị che khuất – chỉ có những cây gậy trắng, giống như những sợi dây mỏng manh, kết nối chúng với thế giới bên ngoài. Một cô gái Nhật, tin vào một câu chuyện cổ tích, đã cắt những con sếu từ giấy trắng. Màu trắng cũng là màu của bức điện tín về cái chết của mẹ tôi, mà tôi đã nhận được ở Hiroshima, và ở đó tôi cảm thấy sự mất mát này càng mạnh mẽ hơn.

Những câu thơ không nảy sinh từ những chuyện vặt vãnh, chúng vang lên với những cảm xúc sinh ra sau những cú sốc sâu sắc. Tôi nghĩ về những người anh em của tôi đã không trở về sau chiến tranh, về bảy mươi dân làng, về hai mươi triệu đồng bào của tôi bị giết. Họ gõ vào trái tim tôi, buồn bã đi qua trước mắt tôi và – dường như trong khoảnh khắc – biến thành những con sếu trắng. Những con chim trong ký ức của tôi, một nốt nhạc buồn và chua cay bùng lên trong cuộc sống hàng ngày. Ở đó, ở Hiroshima, tôi đã viết những câu thơ. Chúng được Naum Grebnev dịch rất thành công, sau đó Jan Frenkel đã phổ nhạc. Không lâu sau đó, Mark Bernes đã gọi đến Makhachkala và hát bài hát mới ngay trên điện thoại. Bài hát buồn này đã bay đi khắp đất nước, vượt qua biên giới như những đàn sếu đang bay.

Nhưng tại sao hôm nay tôi lại đột nhiên nhớ ra bài thơ đã được sinh ra như thế nào? Bởi vì cú sốc chính là cú chạm vào cái địa ngục mà thậm chí Dante cũng chưa từng nghĩ đến. Cái địa ngục trải qua bởi những người cùng thời với tôi, những người vẫn đang sống trong thời đại nhân văn của chúng ta – địa ngục Khatyn, Treblinka, Coventry... cơn ác mộng khủng khiếp ở Hiroshima, nơi tro cốt của hàng ngàn người bị thổi đi, đã trở thành bóng tối. 

Ký ức của chúng ta có thể được thể hiện bằng những ẩn dụ thơ tuyệt đẹp, bằng đồng và đá hoa cương, nhưng mạnh hơn tất cả là ký ức trong trái tim của người dân. Tại hai mươi tượng đài ở các vùng miền khác nhau của đất nước, những đàn sếu cất cánh và đóng băng mãi mãi trong những chuyến bay. Ở Altai, Ukraine, ở Ossetia, những tượng đài này dành riêng cho người mẹ, người đã gửi bảy người con trai ra chiến trường và họ đã không trở về. Nhưng tượng đài trên núi Gunib là cái quí giá nhất đối với tôi. Khi khánh thành nó, đáng lẽ không nên tổ chức mít tinh. Mọi người tự mình đến, và một bà mẹ già có bốn người con trai bị chết, đã mang lửa từ bếp lò của mình để thắp lên Ngọn lửa vĩnh hằng trên núi Gunib. Và tôi nghĩ, tại sao chúng ta lại được tặng một món quà tuyệt vời của ký ức? Để đánh giá đúng hiện tại, để tỉnh táo khi đánh giá và suy nghĩ về nó trong tương lai.

Từ “rig” của tiếng Avar có hai nghĩa, khác nhau về bản chất là: “độ tuổi” và “ngôi nhà”. Nhưng hai ý nghĩa này hợp nhất với tôi thành một: đã đến tuổi – cần có ngôi nhà của riêng mình, yêu thương, giữ gìn và bảo vệ nó. Nhân loại đã trưởng thành. Nó đã trưởng thành đến mức cảm nhận được rằng trái đất, hành tinh của chúng ta như một ngôi nhà chung duy nhất. Và đó là lý do tại sao chính ngày hôm nay nó phải cơ cấu lại các nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của mình. Nếu trước đó có thể giải quyết vấn đề trong mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng thì sự phát triển tiếp theo của nền văn minh là không thể, không thể tưởng tượng được nếu không đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ chung của loài người – cho dù đó là trạng thái tự nhiên của hành tinh hay hạnh phúc của cư dân. Sự phát triển tiếp theo được xác định bởi trí tuệ của con người. 


Tuy nhiên, con người chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế và đồng thời bất lực đến mức nhục nhã trước sự tạo ra trí tuệ của mình. Đây chính là nghịch lý kịch tính của thời đại chúng ta. Và tôi sẽ không nhầm lẫn nếu nói rằng không chỉ các nhà triết học và các nhà thơ hiểu nó, mà tất cả những người bình thường, những người đang mệt mỏi vì nỗi sợ hạt nhân. Có lẽ đây là khó khăn nhất trong những vấn đề mà nhân loại gặp phải trong toàn bộ lịch sử tồn tại của mình. Nhưng đây là vấn đề của sự lựa chọn sống hay chết, của sự lựa chọn – để biến một tiềm năng khoa học và kỹ thuật chưa từng có để nhận về tốt hay xấu cho chính mình. 

Con người mong muốn thoát khỏi sự sợ hãi. Tôi nhớ lại những lời của Francis Bacon: “Bây giờ, khi khắp thế giới có quá nhiều sự khó khăn, đã đến lúc nói về niềm Hy vọng!” Thời của Hy vọng đã đến. Và các chính phủ không chỉ chịu gánh nặng trách nhiệm quốc gia, trách nhiệm trước nhân dân mình, mà còn trước cả thế giới.

Con đường dẫn đến sự tin tưởng lẫn nhau là rất khó khăn. Và ở đây tiếng nói của mọi quốc gia đều quan trọng, dù nó nhỏ đến đâu. Mọi quốc gia ngày nay đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình. Vì rằng, tuổi trưởng thành mà chúng ta đã đạt đến đồng nghĩa với sự áp đặt nghĩa vụ của nó đối với tất cả mọi người. Tuổi trưởng thành ngụ ý sự nghiêm túc, can đảm, khả năng đối mặt với sự thật. 

Tôi tin rằng mọi người trong những công việc sáng tạo trên toàn thế giới đang tham gia vào nỗ lực của chúng tôi để thay đổi tình hình thế giới hiện tại và xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Một thế giới mới, nơi sự tin tưởng lẫn nhau sẽ loại trừ nỗi sợ hãi. Một thế giới mới bác bỏ ý tưởng về cái chết của con người. Và ở đây tôi muốn nhắc lại những lời của William Faulkner, một người Mỹ vĩ đại đã thốt ra khi ông nhận giải thưởng Nobel về văn học: “Nghĩa vụ của nhà văn, nhà thơ là giúp con người đứng vững, củng cố trái tim con người, nhắc lại lòng dũng cảm, danh dự, niềm hy vọng, niềm tự hào và sự hy sinh tạo thành vinh quang vĩnh cửu của nhân loại. Giọng nói của nhà thơ không thể là một tiếng vang đơn giản, nó phải là một trụ đỡ, một nền tảng giúp con người đứng vững và chiến thắng”.
Những lời nói công bằng và trung thực!

... Một đàn sếu mệt mỏi bay trên bầu trời. Tôi đưa mắt dõi theo cho đến khi chúng khuất hẳn trong bầu trời mù sương. Chúng không vội vàng, những con chim tuân theo quy luật vĩnh cửu của tự nhiên. Còn chúng ta có rất ít thời gian. Nếu chúng ta ngày hôm nay trì hoãn các vấn đề chiến tranh và hòa bình, thì những hình ảnh thơ ca đầy cảm hứng nhất cũng sẽ không giúp ích gì được. Trái đất sẽ cháy như một “Tàu con thoi” và tất cả những cuốn sách đẹp, tất cả trí tuệ tích lũy qua nhiều thế kỷ, tất cả những bức tranh tuyệt vời và những tượng đài tráng lệ sẽ trở thành những chiếc lá rơi vô dụng.

Tôi muốn tất cả mọi người có thiện chí không ngừng nghe thấy tiếng kêu đau đớn của đàn sếu, để họ không phản bội ký ức về người chết, về đống tro tàn và bóng tối khủng khiếp trên những cây cầu ở Hiroshima và Nagasaki.
1986
__________
*Khatyn – ngôi làng ở Belarusia bị lính Đức trả thù trong chiến tranh thế giới thứ hai; Treblinka – là một trại hủy diệt do phát xít Đức dựng lên trên vùng lãnh thổ Ba Lan chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai; Coventry – thành phố ở Anh bị máy bay Đức ném bom trong các năm 1940 – 1942; Gunib – ngôi làng ở Dagestan. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét